Hải Dương xây dựng xã nông thôn an toàn

Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn giúp cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tốc độ phát:1x

00:00

Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện của các địa phương. Trong ảnh: Lực lượng công an tuyên truyền pháp luật tại xã Cộng Hòa (Nam Sách)

Xóm làng bình yên

Nằm giáp quốc lộ 5, trên địa bàn xã Tân Trường (Cẩm Giàng) có 1 khu công nghiệp cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu thương mại lớn... Ngoài 14.000 nhân khẩu là người địa phương, ở đây còn có trên 3.000 công nhân ở các tỉnh, thành phố khác đến tạm trú và làm việc. Địa bàn này được đánh giá tương đối phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Đình Dung, chủ một dãy nhà trọ ở thôn Quý Dương, Tân Trường chia sẻ: “Trước đây, khu vực này thường xuyên xảy ra mất trộm. Nhưng vài năm trở lại đây không còn tình trạng trộm cắp vặt. Ở xóm trọ chủ yếu là người lao động ở các tỉnh khác tới nên lực lượng công an xã thường xuyên tới kiểm tra, tuyên truyền và nhắc nhở. Nhờ vậy, người dân yên tâm lao động sản xuất, đời sống cũng dần ổn định”.

Không nhiều người tạm trú như ở Tân Trường nhưng xã Thúc Kháng (Bình Giang) lại là địa bàn giáp với 2 huyện Ân Thi và Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên. Trái ngược với Tân Trường, Thúc Kháng được đánh giá là địa bàn ít có nguy cơ xảy ra mất an toàn về an ninh trật tự. Từ năm 2019 đến nay, xã liên tục được Chủ tịch UBND huyện Bình Giang công nhận danh hiệu “Xã an toàn về an ninh trật tự”. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Số hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm. Kinh tế địa phương phát triển theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo đại úy Vũ Văn Đảng, Trưởng Công an xã Thúc Kháng, dù là địa bàn ít nguy cơ nhưng công an xã luôn chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự cao hơn một cấp so với nhận định. Công an xã thực hiện nhiều chuyên đề, kế hoạch để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, phấn đấu xây dựng để trở thành lực công an xã điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự năm 2023.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, Công an xã Thúc Kháng còn nhận đỡ đầu cho một cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã (ảnh do Công an xã Thúc Kháng cung cấp)

“Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an xã đã kịp thời xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong đó chủ yếu là các vụ việc nhỏ, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Xã cũng đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc và cai tại cộng đồng; làm tốt công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo người chấp hành án tại địa phương. Lực lượng công an đã vận động người dân giao nộp 8 khẩu súng săn...

Nỗ lực vì nhân dân

Công an xã Tân Trường thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tại các xóm trọ có đông công nhân tạm trú

Ở các địa bàn được đánh giá là phức tạp về an ninh trật tự, lực lượng công an xã càng phải “căng mình” để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Trung tá Hoàng Bá Huân, Trưởng Công an xã Tân Trường chia sẻ: “Với trên 3.000 người tạm trú, trong đó có khoảng 50% là người ở các tỉnh vùng núi, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên việc quản lý địa bàn rất phức tạp. Trong khi đó, lực lượng công an chính quy chỉ có 6 người và bán chuyên trách 7 người ở các thôn. Ngoài thực hiện các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, công an xã phải thường xuyên kiểm tra kết hợp với tuyên truyền tại các khu vực xóm trọ có đông công nhân; túc trực 24/24 giờ và 100% quân số trong các dịp lễ, Tết để kịp thời giải quyết các trường hợp khẩn cấp… Nhờ thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và liên tục nên số vụ vi phạm pháp luật giảm nhiều, trên địa bàn không có trọng án, người dân yên tâm sinh sống”.

Tiêu chí 19.2 (an ninh trật tự) trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là một trong những tiêu chí “động”, dễ đạt nhưng khó giữ do bị tác động bởi những yếu tố khách quan. Việc giữ vững tiêu chí về an ninh trật tự được các địa phương đánh giá là một trong những nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, hằng năm, các xã đều ban hành chương trình, nghị quyết về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Trên cơ sở đó, các thôn, xóm xây dựng quy định về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Các địa phương xây dựng lực lượng công an xã ngày càng chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững là tiền đề để thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tính đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh có 57/178 xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm bình yên. Trên địa bàn tỉnh không còn địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Duy trì, thực hiện tốt công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các nghị quyết liên tịch giữa ngành công an với các ngành, tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xây dựng, củng cố và duy trì 66 mô hình “Dân vận khéo” trong lực lượng công an.

TRANG HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-xay-dung-xa-nong-thon-an-toan-356883.html