Hai công trình kiến trúc Pháp xây trên đầm lầy ở Hà Nội và TP.HCM

Thông qua các sách viết về đô thị ở Hà Nội và Sài Gòn xưa, chúng ta biết được Nhà hát Lớn Hà Nội và Chợ Bến Thành được xây dựng trên những vùng bùn lầy.

Không chỉ phác thảo nên diện mạo của 2 đô thị lớn nhất Việt Nam trong buổi đầu chuyển đổi từ đô thị phong kiến phương Đông sang phương Tây, những cuốn sách như: Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính, Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ còn cho biết chi tiết những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của 2 đô thị này.

Điển hình trong số đó là công trình Chợ Bến Thành ở Sài Gòn - TP.HCM và Nhà hát Lớn ở Hà Nội - 2 công trình có điểm chung là đều được xây dựng trên những đầm lầy / vùng đất thấp lầy lội.

Chợ Bến Thành thời Pháp thuộc. Nguồn: wikipedia.

Ao Bồ-rệt và quá trình trở thành chợ trung tâm thành phố Sài Gòn

Theo sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (Trần Hữu Quang) và Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ (Trung tâm Lưu trữ quốc gia II), Chợ Bến Thành (cũ) ban đầu nằm bên bờ kinh Chợ Vải (kinh Lấp / đại lộ Charner, nay là đường Nguyễn Huệ). Sau đó, chợ dời đến địa điểm mới là đầm Boresse (chợ Bến Thành ngày nay).

Cụ thể là trước khi thực dân Pháp chiếm thành Gia Định và thôn tính Nam Kỳ, chợ Bến Thành nằm trên bờ kinh Chợ Vải (thời kỳ đầu chợ xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp mái tranh). Sở dĩ chợ có tên như vậy là vì nó nằm gần bến ở con kinh dẫn vào thành Quy (còn gọi là thành Bát Quái hoặc thành Gia Định).

Thời thuộc Pháp, khu chợ được mở từ 2 phía, một bên là kinh Thị Vải (Grrand Canal nay là đại lộ Nguyễn Huệ) và một bên là đường Adran (nay là đường Hồ Tùng Mậu).

Năm 1870, một trận hỏa hoạn đã diễn ra tại khu chợ khiến một trong những căn nhà lồng mái tranh bị thiêu rụi. Cuối năm này công trình xây lại khu chợ bằng nhà lồng có khung sắt mái ngói bắt đầu được khởi công. Cũng trong thời gian này, nhu cầu xây dựng một ngôi chợ trung tâm mới cũng bắt đầu được chính quyền thành phố Sài Gòn bàn tính đến.

Về sau này, khu chợ Bến Thành ở Kinh Thị Vải dời về địa điểm khu đầm lầy Boresse, từ đó người dân gọi khu chợ này là chợ Cũ, còn ngôi chợ mới (xây xong năm 1914) gọi là chợ Mới, sau mang tên là Bến Thành.

Theo biên bản họp Hội đồng thành phố Sài Gòn ngày 23/11/1893, vào năm 1860, khu vực chợ Bến Thành và ga xe lửa Sài Gòn sau này vẫn còn là một bãi đầm sình lầy hoang vắng. Người Pháp gọi là marais Boresse, người Việt gọi là ao Bồ - rệt. Nơi này có nhiều vũng ao tù nước đọng làm thành những ổ dịch bệnh…

Từ năm 1878, Hội đồng thành phố Sài Gòn bắt đầu quan tâm tới chuyện lấp đất khu đầm lầy này. Cuối năm 1893, tuy chưa lấp xong, nhưng Sở Công chánh đã làm mấy con đường băng qua khu này, với ý đồ của nhà cầm quyền của thành phố là biến đầm Boresse thành một trung tâm thương mại.

Đến năm 1903, chính quyền thành phố thể hiện quyết tâm xây dựng một “khu chợ trung tâm cho xứng tầm với thành phố”. Tuy nhiên, phải đến năm 1908, địa điểm xây khu chợ này mới được quyết định dứt khoát (tại địa điểm chợ Bến Thành ngày nay). Năm 1913, ngôi chợ trung tâm thành phố Sài Gòn được khởi công với kinh phí là 400.000 franc. Công trình do hãng Brossard et Mopin đảm nhiệm và chợ Bến Thành được khánh thành vào đầu năm 1914.

Nhà hát Lớn Hà Nội thời Pháp thuộc. Ảnh: T.L.

35.000 cây cọc tre được đóng xuống móng Nhà hát Lớn Hà Nội

Theo sách Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính (Phan Phương Thảo chủ biên) và một số tài liệu lưu trữ có liên quan Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng trên một đầm lầy mới được san lấp, nên đòi hỏi việc thi công phải rất cẩn trọng, nhất là liên quan đến phần móng.

Theo đó năm 1899, xuất phát từ nhu cầu giải trí của giới chức Pháp tại Hà Nội, hội đồng thành phố Hà Nội đã đề xuất Toàn quyền Đông Dương cho dựng một nhà hát.

Đầu năm 1901, hội đồng thành phố họp xem xét bản thiết kế sơ thảo Nhà hát thành phố của kiến trúc sư Harlay và đã đánh giá cao thiết kế của kiến trúc sư này.

Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng ngày 7/6/1901 và do hai hãng Chavary và Savelon ở Hà Nội thầu. Ông Harlay, kiến trúc sư - thanh tra các công trình dân sự chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thi công công trình.

Để xây dựng công trình, Toàn quyền Đông Dương cho thành phố Hà Nội vay trước 100.000 đồng. Khoản vay này sẽ phải trả hàng năm trong vòng 10 năm, mỗi năm là 10.000 đồng kể từ ngày 1/1/1903.

Ngày 21/3/1904, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục trợ cấp cho thành phố Hà Nội 100.000 đồng để tiếp tục xây dựng Nhà hát...

Nhà hát Lớn được xây dựng trên một vũng lầy mới được san lấp ở đầu phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền, phố Hàng Khay), nên đòi hỏi việc thi công phải cẩn trọng, nhất là liên quan đến phần móng, với điều kiện cực kỳ khó khăn và tốn nhiều công sức.

Trước khi đổ lớp bê tông dày 0,9 m làm nền tòa nhà và tăng cường cốt thép tại các điểm yếu, người ta đã đóng 35.000 cây cọc tre xuống trước.

Các tài liệu cũng cho biết công trình Nhà hát Lớn đã sử dụng tới 12.000 m3 vật liệu và 570 tấn gang thép. Toàn bộ khung, dầm, trần của tòa nhà được xây dựng hoàn toàn bằng kim loại, không dùng gỗ, có thể tránh được hỏa hoạn.

Công trình có chiều dài 87 m, bề ngang trung bình 30 m, diện tích khoảng 2.600 m2 và phần đỉnh mái cao nhất cao 34 m so với nền đường.

Năm 1911, công trình Nhà hát Lớn sơ bộ hoàn thành. Các hạng mục còn lại tiếp tục được hoàn thiện các năm sau đó. Theo Niên giám hành chính, thương mại và kỹ nghệ kinh phí ước tính để hoàn thiện công trình khoảng 2.000.000 franc.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-cong-trinh-kien-truc-phap-xay-tren-dam-lay-o-ha-noi-va-tphcm-post1420407.html