Hai cái cây và tổn thương đô thị

Hai cây phượng có mặt trước lúc tôi dọn đến nơi này, có khi chúng có số tuổi vượt cả thời gian tôi trở thành cư dân của thành phố này. Hai thân to, khỏe mạnh đã cho tôi rất nhiều mùa hè rực rỡ, gợi nhớ tuổi học trò đã xa, mái đình cũ nơi cũng có cây phượng già yên lặng và vững chãi.

Hàng cây phượng già ven đường. Ảnh: XUÂN THÂN

Từ ô cửa sổ nhỏ nơi chung cư tầng 7, tôi đã thấy những cành phượng vươn cao, tán lá xanh, trái đong đưa. Hai cái cây sống động đó khiến tôi ngày một thương hơn nơi mình sống. Mỗi lúc đi đâu xa trở về, lại thấy cái tàn cây reo lên như một người thân luôn chờ đợi tôi. Hai cái cây yêu dấu đó, có lẽ cũng ghi dấu cả tuổi nhỏ của con trai tôi với những buổi đến trường mẫu giáo, cất giọng ngọng líu chào những cái cây bên đường.

Nhưng 2 cây phượng đã bị đốn vừa mới hôm qua, lúc cái nắng chan chát rót qua thành phố. Mé đường còn trơ những chiếc gốc cụt, vón sậm màu của nhựa sống vẫn còn trào lên. Đám rễ cũng vậy, đâu có được báo động nên vẫn cứ thực hiện cơ chế mà tự nhiên quy định cho chúng: hút nước và chất dinh dưỡng về cho thân thể. Ngày mai, ngày kia, người ta sẽ làm nốt công đoạn đào gốc, bẩy xắn từng chiếc rễ, san phẳng và tráng lại vệ đường bằng lớp xi măng khô khan. Nơi cây phượng của ngày trước sẽ chỉ còn bóng nắng chói lòa. Những đứa trẻ đi qua, và quên mất cái bóng mát từng đậu trên vai mình. Những người già, hẳn sẽ nhớ ký ức mình đã ký gởi, cái cây ở đâu là kỷ niệm tích tụ ở đó.

Lũ ong mật đã chọn 1 trong 2 cây phượng để làm tổ. Chiếc tổ đóng ở một nách nhánh khuất vào phía bên trong đã dày và to lắm rồi. Chúng sẽ bay đi đâu khi chiều nọ quay về và thấy mình mất tổ? Cũng chỉ mới hôm qua, lúc cơn nắng cuối ngày sắp tắt, lũ dơi vẫn còn kêu lé ché, quần tới quần lui trên tàn phượng trước khi sà xuống cái hốc giữa chạc ba ngang trong thân cây, trú ẩn. Liệu bọn chúng có hoang mang về chọn lựa của mình trước đó, rằng cái cây mà chúng chọn khỏe mạnh và tươi tốt vậy, sao lại biến đi đâu.

Tôi biết, những mất mát kiểu như vậy vẫn thường xuyên diễn ra, ở xung quanh nơi tôi sống. Tôi cũng giống như đám ong mật, hay như lũ dơi, tin rằng những chiếc cây sẽ mãi mãi ở đó. Những năm định cư vẫn chỉ có thể đếm ở đầu ngón tay, nhưng những cuộc chia ly với cây đã nhiều đến nỗi, tôi không biết mình còn lại cảm xúc là mất mát, là tức giận, hay là buồn bã. Nhưng tôi biết rõ, lúc đi ngang qua 2 cây phượng còn trơ lại gốc, tôi đã thấy tim mình hụt một nhịp, và sau đó vồng lên, bật vào thành ngực mình như một cú búng tay vào da, nhắc lại cảm xúc rúng động của sự mất mát không mấy chừng êm ả.

Những cây phượng, cây còng, cây lim xẹt, cả những cây me keo... trong thành phố, dường như không được sống già. Nơi góc ngã tư đường mỗi sáng tôi qua, vẫn còn một cây còng già nằm trong sân ngôi nhà cổ. Mỗi ngày đi qua, mỗi ngày tôi cúi đầu chào cụ cây già. Cụ cây vừa trang nghiêm, vừa hóm hỉnh, xòe bóng trên mái vòm ngôi nhà, một vài cành nhánh xòa ra, vượt qua trụ đèn giao thông vàng xanh đỏ, như chiếc tay của người khổng lồ biết làm phép vươn mãi, vươn mãi. Thỉnh thoảng, tôi còn nghĩ đó là cánh tay của nhà ảo thuật tài ba, khi một lúc nọ bất ngờ xòe trong lòng tay mình ra những bông hoa màu hồng tím, hoa nở như cười.

MINH PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hai-cai-cay-va-ton-thuong-do-thi-post738440.html