Hà Nội: Từ 1/4 thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ

Từ 1/4 Cục Thống kê TP Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (gọi tắt là điều tra DSGK 2024) trên địa bàn TP. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch chung được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Hà Nội là TP đông dân thứ hai so với cả nước

Mục đích chính của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Bên cạnh đó, cuộc điều tra cũng nhằm cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020-2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, điều tra DSGK 2024 của TP Hà Nội được thực hiện trên phạm vi 30 quận, huyện, thị xã.

Đối tượng điều tra bao gồm: Hộ dân cư (bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ); nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang, người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ngủ tại hộ), nhưng không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.

Thời gian thu thập thông tin trong điều tra DSGK 2024 bắt đầu từ 0 giờ ngày 1 đến 30/4/2024. Cuộc điều tra sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp nhằm thu thập thông tin về 7 nội dung chính. Thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; thông tin về di cư; thông tin về giáo dục; thông tin về hôn nhân; thông tin về lịch sử sinh của nữ từ 10 - 49 tuổi; thông tin về người chết của hộ; thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.

Điều tra DSGK 2024 áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Theo đó, điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh (CAPI).

Một số trường hợp đặc biệt, những đối tượng điều tra không thể tiếp cận trực tiếp hoặc tiếp cận nhiều lần không được, Cục trưởng Cục Thống kê quyết định lựa chọn phương pháp thu thập thông tin phù hợp bằng cách gửi mẫu phiếu giấy hoặc phiếu điện tử (CAPI hoặc Webform) để đối tượng điều tra tự cung cấp thông tin.

Điều tra viên sẽ sử dụng ba loại phiếu để thu thập thông tin phục vụ lập bảng kê hộ dân cư và thu thập thông tin phục vụ tổng hợp các chỉ tiêu.

Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết, Cục sẽ tham mưu giúp UBND TP Hà Nội thành lập Tổ Công tác TP bao gồm thành viên là Cục trưởng Cục Thống kê, Lãnh đạo Cục Thống kê và Lãnh đạo các phòng của Cục Thống kê; đại diện các sở, ban, ngành liên quan (trong đó có đại diện của cơ quan Công an). Tổ Công tác TP chịu sự điều hành trực tiếp của Tổ trưởng Tổ công tác và chịu sự giám sát của Tổ Công tác cấp trung ương.

Quá trình điều tra, dữ liệu được kiểm tra, nghiệm thu (duyệt) bởi các giám sát viên các cấp. Dữ liệu sau khi làm sạch được tích hợp với các nguồn dữ liệu hành chính (dữ liệu xuất nhập cảnh, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,...) của các bộ, ngành liên quan phục vụ việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc phạm vi thu thập thông tin của cuộc điều tra.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội: Hà Nội là TP đông dân thứ hai so với cả nước với dân số trung bình năm 2023 là 8.587.141 người, (chiếm khoảng 8,5% dân số cả nước). Theo thống kê trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng lên khoảng 200.000 người, tương đương với dân số của một huyện lớn. Công tác dân số trên địa bàn TP còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: tốc độ gia tăng dân số, nhất là gia tăng dân số cơ học tiếp tục tăng mạnh ở khu vực các quận. Với mức độ tăng dân số như vậy đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông đô thị, môi trường, văn minh đô thị và đặc biệt là vấn đề nhà ở của Thủ đô.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tu-1-4-thuc-hien-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-giua-ky.html