Hà Nội: Nhiều hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng theo giá gạo

Giá gạo liên tục tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Trong những ngày qua, giá gạo liên tục tăng mạnh khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường tại Hà Nội cũng tăng lên.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số đại lý, cửa hàng bán gạo và chợ dân sinh truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội, hầu hết các loại gạo và bột đều tăng giá.

Cụ thể, gạo Bắc Thơm tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, gạo dẻo 64 tăng từ 14.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, gạo ST25 tăng giá từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên tăng giá từ 14.600 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; gạo Hương Lài tăng giá từ 17.000 đồng/kg lên 19.500 đồng/kg…

Giá gạo tăng mạnh kéo các mặt hàng thiết yếu tăng theo.

Giá gạo tăng cao khiến các mặt hàng được chế biến từ gạo như bún, miến, phở, mì,...chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, mặt hàng này cũng “nương theo” giá gạo.

Theo đó, bánh phở tươi tăng giá từ 11.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; miến tăng giá thêm 2.000 đồng/kg, lên 25.000 đồng/kg với sợi nhỏ và 26.000 đồng/kg với sợi lớn; bún tươi tăng giá từ 10.000 đồng/kg lên 13.000-14.000 đồng/kg; bún khô tăng giá từ 30.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg…

Các thương hiệu mì phổ biến như Hảo Hảo, Omachi, Kokomi,... đều nhích 5.000 - 10.000 đồng/thùng, giá bán lẻ theo gói cao lên từ 500 đồng - 1.000 đồng/gói.

Ngoài ra, trứng gà cũng đã tăng giá do tác động bởi giá gạo. Trong đó, trứng gà công nghiệp đã ở mức 37.000 đồng/chục, trứng vịt 40.000 đồng/chục, trứng gà ta cũng lên 40.000 đồng/ chục, tăng hẳn 20% so với cùng kì năm ngoái.

Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác như dầu ăn, nước mắm, bột mì “ăn theo” giá gạo. So với đầu năm, các mặt hàng này đã tăng 15%-20%.

Cụ thể, dầu ăn Simply tăng 55.000 đồng, lên mức 76.000 đồng/chai 1 lít; dầu Neptune có giá 50.000 đồng thì nay tăng lên 60.000 đồng/chai 1 lít; dầu Cái Lân từ 50.000 đồng lên 56.000 đồng/lít; nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 44.000 đồng/chai 750ml; nước mắm Đệ Nhị từ 17.000 đồng/chai tăng lên 20.000 đồng/chai…

Các loại mì, bún, phở chịu tác động trực tiếp trong việc giá gạo tăng.

Trong khi đó, giá bán lẻ tại các siêu thị lớn như Big C, Winmart,...hầu như vẫn giữ ổn định. Các mặt hàng không có tình trạng khan hàng, phá giá. Các chương trình khuyến mãi cuối tuần và các dịp đặc biệt vẫn được duy trì nhằm trợ giá cho người tiêu dùng.

Trước biến động của giá gạo và thực phẩm, một số quán ăn đã rục rịch tăng giá nhẹ. Bà Đặng Thị Thuần - chủ quán cơm trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã treo bảng tăng giá bán trước cửa hàng để khách hàng có thể chủ động.

Theo đó, mỗi phần cơm, giá bán sẽ tăng khoảng 5.000 đồng/suất. Bà Thuần cho biết, giá nguyên liệu đầu vào đều đồng loạt tăng từ gas, xăng, dầu ăn, gạo, nước mắm,...nên buộc cửa hàng phải điều chỉnh giá bán.

Bà Thuần cũng cam kết, lần điều chỉnh này chỉ là tạm thời. Sau khi giá gạo giảm, cửa hàng sẽ quay trở về giá ban đầu.

Mặt hàng gạo liên tục tăng giá gây biến động thị trường và gây ra nhiều áp lực chi tiêu cho các gia đình hiện nay trong thời điểm mà các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng được đà tăng giá.

“Năm nay là một năm khó khăn với gia đình tôi, công ty ít đơn hàng, lương thưởng bị cắt giảm. Trong khi đó, giá gạo, thực phẩm và xăng dầu liên tục biến động càng đè nặng lên áp lực chi tiêu. Tôi chỉ biết tiết kiệm hơn nữa để đủ chi tiêu, bữa cơm gia đình cũng dần ít phong phú hơn” - chị Thanh Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-nhieu-hang-hoa-thuc-pham-thiet-yeu-tang-theo-gia-gao-post260901.html