Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét đề án tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư

Về thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét đề án tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Ngày 12/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

Không khí thi công khẩn trương, nhộn nhịp tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Tại buổi làm việc, về thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét đề án tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Về Luật PPP, Thành phố đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung, cập nhật thống nhất quy định về tiểu dự án trong dự án PPP.

Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 56/2022/QH15 “cho phép tiếp tục giao cho các nhà thầu thi công khác trong cùng dự án được khai thác phần khối lượng còn lại phục vụ dự án mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù về khai thác mỏ vật liệu”.

Để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn triển khai dự án đầu tư, Thành phố đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép trong quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án được phép điều chỉnh tăng/giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần (so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư) nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án và không làm tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn triển khai dự án đầu tư, Thành phố đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép trong quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án được phép điều chỉnh tăng/giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần (so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư) nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án và không làm tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Thảo luận tại buổi giám sát, về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Thành phố cần chú trọng đến công tác lựa chọn nhà thầu dự án PPP trong thời gian tới; quan tâm đến giá đền bù, đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án...

Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đối với thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện báo cáo, trong đó sẽ đánh giá sâu sắc, toàn diện về việc triển khai Nghị quyết trên địa bàn Thành phố, trên tinh thần đánh giá tác động tổng thể của các cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện trong thời gian qua.

“Một số chính sách được Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định rất tốt, tạo sự hỗ trợ hữu hiệu cho người dân trong quá trình đại dịch diễn ra, nhưng thành phố Hà Nội có một số cơ chế đặc thù, đã triển khai hỗ trợ cho các đối tượng này, nên không thể triển khai trong hai năm thực hiện Nghị quyết”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Đối với dự án thành phần 3 (dự án PPP) dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, có sự thay đổi về giá trị đầu tư từng dự án thành phần nhưng chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án; do nhiều nguyên nhân nên việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần kêu gọi sự tham gia liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài để bảo đảm tiến độ dự án.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và bảo đảm tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô của thành phố Hà Nội. Ghi nhận kiến nghị của Thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền.

Đối với thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố đánh giá sâu thêm tác động của các chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách miễn, giảm thuế đến người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố; bổ sung, làm rõ hiệu quả và đánh giá tác động của các chính sách an sinh, xã hội, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong Nghị quyết đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp…

Về thực hiện Nghị quyết số 56/2022/QH15, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ của công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần; thu hồi đất chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-kien-nghi-quoc-hoi-som-xem-xet-de-an-tach-giai-phong-mat-bang-tai-dinh-cu-ra-khoi-du-an-dau-tu-post287712.html