Gửi gắm thông điệp 'cùng yêu hòa bình, cùng ham đọc sách'

Tuy mới ra đời nhưng phòng đọc 'Khát vọng hòa bình' do Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Thư viện tỉnh mở đã trở thành điểm đến của nhiều bạn đọc. Tín hiệu đáng mừng ấy xuất phát từ nỗ lực thầm lặng của các nhà văn tâm huyết và những người yêu sách. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông NGUYỄN HỮU QUÝ, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị về những câu chuyện liên quan đến sự ra đời của một phòng đọc mang cái tên hết sức ý nghĩa.

- Thưa nhà văn Nguyễn Hữu Quý! Đề nghị ông chia sẻ đôi nét về phòng đọc “Khát vọng hòa bình”?

Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị ra mắt vào ngày 12/12/2022, gồm 5 nhà văn: Nguyễn Hữu Quý, Văn Xương, Nguyễn Ngọc Chiến, Võ Văn Luyến và Phan Thị Vàng Anh. Sau ngày thành lập, ngoài việc đầu tư, chăm lo sáng tác văn học, chi hội đã đề ra một số hoạt động, trong đó có việc mở phòng đọc “Khát vọng hòa bình” tại địa chỉ số 26 Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà.

Có nhiều lý do thôi thúc chúng tôi chọn cụm từ “Khát vọng hòa bình” để đặt cho phòng đọc. Trước tiên, hòa bình là khát vọng lớn nhất, khát vọng muôn đời của nhân loại.

Trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, để giành lại độc lập cho non sông, có lẽ mỗi người dân Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng đều thấm thía điều đó. Có thể nói, với Nhân dân ta, từ xưa đến nay và mãi mãi về sau không có khát vọng nào lớn lao hơn, thiêng liêng hơn hòa bình.

Với Quảng Trị, mảnh đất được coi như một bảo tàng lịch sử chiến tranh sống động thì khát vọng hòa bình được thể hiện càng đậm nét và sâu sắc.

Khát vọng hòa bình là khát vọng của từng ngọn núi, dòng sông, của mỗi làng quê, khu phố, của những con người đang sống trên mảnh đất này. Là khát vọng của sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, của Thành Cổ Quảng Trị, của Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9...

Chúng tôi nghĩ rằng văn học hướng tới hòa bình là nền văn học nhân văn. Mỗi trang sách là một phần cuộc sống, phải chứa đựng được khát vọng cao cả của con người. Chính vì thế mà khi có không gian thuận lợi, chúng tôi nghĩ ngay tới việc xây dựng một phòng đọc mang tên “Khát vọng hòa bình”.

- Như ông chia sẻ, ý tưởng về việc mở phòng đọc “Khát vọng hòa bình” có từ rất sớm, sau khi Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập. Điều gì thôi thúc các thành viên trong chi hội đi đến quyết định này?

- Văn hóa đọc ở nước ta nói chung và Quảng Trị nói riêng đang có nhiều điều cần quan tâm. Tình trạng người dân ít, ngại đọc sách diễn ra rất phổ biến. Là nhà văn, chúng tôi muốn làm một điều gì đó để góp phần nâng cao văn hóa đọc trong công chúng, đặc biệt là với thanh, thiếu niên. Vì thế, khi có điều kiện, chúng tôi đã nghĩ ngay tới việc xây dựng phòng đọc. Đây sẽ là một địa chỉ văn hóa, nơi kết nối những người sáng tác văn học với bạn đọc. Ngoài việc đến đó để đọc sách, mượn sách, mọi người có dịp được giao lưu, trao đổi với các nhà văn. Chúng tôi có ý định biến nơi đây thành nơi giới thiệu các tác phẩm mới.

- Để mở phòng đọc này, các thành viên trong chi hội đã nỗ lực như thế nào?

-Phòng đọc “Khát vọng hòa bình” có được hình hài, vóc dáng như hôm nay là kết quả từ sự đóng góp của nhiều người, trước hết là các nhà văn trong chi hội. Chúng tôi thường đùa rằng: Anh em mình đang “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tuổi cao, đã nghỉ hưu, viết lách tốn nhiều tâm sức thời gian nay chúng tôi còn nghĩ ra, làm thêm việc này, việc nọ nữa. Đùa vậy nhưng ai cũng vui khi bắt tay vào xây dựng phòng đọc vì biết nó có ích cho xã hội.

Độc giả tặng sách để góp phần phát triển phòng đọc “Khát vọng hòa bình” - Ảnh: T.L

Thực tế, ngoài số tiền được cấp để đóng giá sách, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh không có thêm khoản kinh phí nào khác. Muốn có sách phục vụ bạn đọc, không có cách nào khác, các nhà văn phải đến nhiều nhà xuất bản trong cả nước như: Hội Nhà văn, Quân đội nhân dân, Kim Đồng, Thuận Hóa... và một số tác giả để xin sách. Sau đó, chúng tôi đã liên hệ với Thư viện tỉnh Quảng Trị để phối hợp. Nhờ thế mà lượng sách văn hóa, văn học được bổ sung đáng kể. Có trên 1.000 đầu sách của Thư viện tỉnh được chuyển đến phòng đọc “Khát vọng hòa bình”. Trước mắt và lâu dài, chúng tôi xem phòng đọc này là nơi nối dài của Thư viện tỉnh. Phải nói thêm rằng, lãnh đạo và nhân viên Thư viện tỉnh rất nhiệt tình trong việc phối hợp với các nhà văn để xây dựng phòng đọc. Nhờ thế, mà phòng đọc “Khát vọng hòa bình” đã có trên 2.000 đầu sách.

- Mong ông chia sẻ những tín hiệu vui sau ngày phòng đọc “Khát vọng hòa bình” được mở?

- Phòng đọc “Khát vọng hòa bình” mới khai trương nên có lẽ chưa có gì để nói nhiều. Tuy nhiên, một số tín hiệu vui đã xuất hiện. Trước hết, nên nhắc lại không khí vui vẻ, ấm áp buổi khai mạc. Hình ảnh các cháu học sinh hào hứng cầm trên tay những cuốn sách khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Ý kiến phát biểu của lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan và cá nhân cũng đã tạo niềm vui, niềm tin cho các nhà văn. Sau buổi khai mạc, nhiều người dân trong tỉnh đã đến phòng đọc tham quan, đọc và mượn sách. Có bạn còn mang sách hay đến góp cho phòng đọc. Tôi tin, không gian phòng đọc “Khát vọng hòa bình” sẽ ngày càng thu hút bạn đọc.

- Có thể thấy việc mở phòng đọc “Khát vọng hòa bình” là cả tâm huyết, sự nỗ lực của Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị và nhiều người khác. Vậy, các ông đã có kế hoạch gì để thu hút, giữ chân độc giả?

- Thành lập được phòng đọc đã khó nhưng duy trì hoạt động hiệu quả càng khó hơn. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu biết cách tổ chức phòng đọc theo hướng đa chức năng, nhiều trong một chắc chắn sẽ thu hút bạn đọc. Vì thế, chúng tôi sẽ nỗ lực giúp phòng đọc “Khát vọng hòa bình” trở thành địa điểm giao lưu, trao đổi về văn hóa, văn học giữa các nhà văn và bạn đọc. Đây cũng sẽ là nơi kết nối, giao lưu giữa chi hội nhà văn với các nhà trường, từ đó truyền cảm hứng yêu hòa bình, yêu văn học đến các em, các cháu. Chúng tôi sẽ chọn phòng đọc để tổ chức các buổi ra mắt sách gọn gàng ấm áp của các tác giả; phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức nói chuyện về sách hay các chuyên đề khác; mở các cuộc thi viết về đọc sách… Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị cũng sẽ cố gắng liên kết với các cơ quan xuất bản sách, báo giới thiệu, trưng bày ấn phẩm. Chúng tôi rất mong sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền, của các cơ quan, các doanh nghiệp, các nhà trường và đông đảo bạn viết, bạn đọc.

- Thông qua việc mở phòng đọc “Khát vọng hòa bình”, ông và các thành viên Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị có thông điệp gì gửi đến mọi người?

- “Cùng yêu hòa bình, cùng ham đọc sách” là thông điệp của chúng tôi - những nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị - muốn gửi đến mọi người.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long(thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gui-gam-thong-diep-cung-yeu-hoa-binh-cung-ham-doc-sach/177532.htm