Biểu tượng lòng dân miền Nam với Bác

Trong kháng chiến chống Mỹ, đền thờ, phủ thờ Bác là 'pháo đài niềm tin', là biểu tượng lòng dân đối với Ðảng, với Bác Hồ, nhưng là cái gai trong mắt Mỹ - ngụy. Vì vậy, kẻ địch luôn tìm cách dẹp bỏ bằng những trận càn quét, bắn phá. Nhưng chúng bất lực trước tinh thần bám trụ, bảo vệ và kiên quyết đấu tranh của Nhân dân ta.

Nhớ chuyến tìm về vùng Trí Lực, Trí Phải - nơi rạng danh bởi tấm lòng má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam năm 1954, mà không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay. Chúng tôi tìm gặp ông Lê Trung Hiếu (Ba Hiếu), 83 tuổi, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), sau lời chào hỏi, ông Ba Hiếu bắt đầu câu chuyện bằng ký ức đẹp cách nay hơn nửa thế kỷ: “Tháng 3/1973, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Ðảm, Bí thư Huyện đoàn Thới Bình (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) khởi xướng lập Phủ thờ Bác Hồ ở ngã tư Kênh 30 và Kênh 7, xem đây là công trình chào mừng Ðại hội Ðoàn của huyện, với khẩu hiệu “Tuổi xuân quyết báo đền ơn Bác”. Theo tiếng gọi, thanh niên trong xã dùng xuồng, ghe vận chuyển đất đắp đầy hố bom rộng 3 ha lập nền xây Phủ thờ Bác Hồ và được trùng tu, bảo vệ cho đến ngày nay”.

Giờ đây, trong khuôn viên Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực có cả một vườn vú sữa bốn mùa sum suê, đó đều là giống cây chiết cành từ cây vú sữa năm xưa má Sảnh gởi tặng Bác Hồ. “Sau khi đất nước độc lập, cây được chiết nhánh từ Hà Nội chuyển về Cà Mau và trồng ở Phủ thờ Bác. Cây trồng xuống là bén đất. Từ ngày ấy, khuôn viên phủ thờ bắt đầu nhân thêm giống, giờ thành vườn vú sữa quanh năm xanh mát”, ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết.

Từ câu chuyện cảm động về Phủ thờ Bác Hồ và vườn cây vú sữa, làm tôi nhớ đến những đền thờ, phủ thờ Bác khắp miền Tây sông nước Cửu Long.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ÐBSCL phát huy vai trò giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ÐBSCL phát huy vai trò giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Giữa lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, những người con miền sông nước Cửu Long vô cùng đau đớn khi hay tin Hồ Chủ tịch qua đời. Với lòng kính yêu vô hạn, bất chấp bom đạn của kẻ thù, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tổ chức lễ truy điệu Bác dưới nhiều hình thức. Không chỉ thế, người miền Tây lập bàn thờ, dựng đền thờ, phủ thờ để tưởng nhớ Người. Trải qua hơn nửa thế kỷ, những công trình ấy vẫn sừng sững uy nghiêm như biểu tượng kiên trung của lòng dân với Bác”, Ðại tá Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9, chia sẻ.

Sinh thời, Bác Hồ luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, Nhân dân miền Nam cũng hết lòng kính yêu và mong đợi một ngày Bác vào thăm. Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao, sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường theo dõi tin tức và mong muốn được vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Năm 1968, Người đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn, đề nghị tổ chức cho Bác vào thăm miền Nam, nhưng chưa thực hiện được mong muốn đó thì Người đã đi xa. Với nỗi đau thương, cùng với đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân miền Nam khóc tiễn đưa Người.

Chiến sĩ trẻ ấn tượng với hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ĐBSCL.

Chiến sĩ trẻ ấn tượng với hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ĐBSCL.

Với lòng tưởng nhớ sâu sắc, Nhân dân và chính quyền cách mạng đã xây cất đền thờ Bác. Theo thống kê, ở ÐBSCL có 34 đền thờ Bác Hồ được dựng lên. Cho đến nay, hầu hết các đền thờ Bác Hồ đều được tu bổ, tôn tạo khang trang.

Nhắc về quá khứ hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Ðền thờ Bác ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Ðức, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), ông Nguyễn Ðức Tố, Trưởng ban Quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh, thông tin: “Ðền thờ Bác ở Trà Vinh xây dựng vào cuối tháng 3/1970 và hoàn thành vào ngày 30 Tết năm 1971; đền nằm giữa vòng vây, kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Sự tồn tại của ngôi đền như cái gai chọc vào mắt địch, nên chúng thường xuyên càn quét, đánh phá. Trong thời gian xây dựng, bảo vệ đền thờ đến ngày đất nước giải phóng, quân và dân Long Ðức bẻ gãy hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo, tàu chiến của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên. Song, cũng có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân anh dũng hy sinh như Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị...”.

Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với vai trò người bảo vệ Ðền thờ Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), mở lòng: “Sau lễ truy điệu, vì chưa kịp xây dựng đền thờ Bác nên Xã ủy Châu Thới mượn tạm ngôi nhà của người dân để thờ Bác. Ðầu năm 1971, địch càn quét vào ấp Bà Chăng A, dã tâm đốt phá. Hành động ấy làm cho Nhân dân thêm căm phẫn. Bằng quyết tâm và biến đau thương thành hành động, sáng 25/4/1972, ngôi đền chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 24 ngày”.

Ðể bảo vệ đền thờ, xã Châu Thới còn lập tổ bảo vệ do ông Bảy Khoa và 6 đồng chí khác phụ trách. Nhận nhiệm vụ, Ðảng bộ và đồng đội tổ chức cho tổ bảo vệ thề nguyện với khí tiết sẵn sàng hy sinh (lễ tế sống - PV). Từ ngày ấy, khi có thông tin giặc càn quét là tổ bảo vệ bố trí phương án ngăn chặn từ xa. Trải bao mưa bom, bão đạn, đền thờ vẫn vững chãi như lòng dân Châu Thới kiên trung.

49 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, hệ thống đền thờ, phủ thờ Bác Hồ trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của quân, dân miền sông nước Cửu Long. Hằng năm, các đền thờ, phủ thờ luôn duy trì hoạt động mừng sinh nhật Bác, lễ giỗ, dâng hương, báo công... tạo nên nét văn hóa rất riêng biệt. Hiện có 3 đền thờ, phủ thờ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, 6 đền là Di tích cấp tỉnh.

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố của cả nước, Cà Mau xây dựng đền thờ Bác Hồ ngay sau khi Bác Hồ qua đời, để tỏ lòng thành kính.

Nhà sàn Bác Hồ tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tỉnh Cà Mau), địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhà sàn Bác Hồ tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tỉnh Cà Mau), địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Ý nguyện được ra Hà Nội viếng Bác và thăm nhà sàn nơi Bác ở lúc sinh thời luôn thôi thúc trong lòng mỗi người dân Ðất Mũi. Nhưng vì khoảng cách địa lý xa xôi, kinh tế khó khăn, nên không phải ai cũng thực hiện được. Tháng 10/1994, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Minh Hải xin chủ trương xây dựng Nhà sàn Bác Hồ để mọi người đều được đến viếng thăm”, ông Lê Minh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Cà Mau, thông tin.

Lòng cảm mến vị cha già dân tộc còn được thể hiện bởi nhiều hoạt động, tiêu biểu là việc sáng tạo các chất liệu làm ảnh chân dung Bác. Ở ÐBSCL ghi nhận tác phẩm sớm nhất, ấn tượng nhất là bức tranh vẽ bằng máu từ cánh tay mình của Họa sĩ Diệp Minh Châu (tỉnh Bến Tre) trong ngày 2/9/1947, chủ đề Hồ Chủ tịch với 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam. Ngày nay, với các chất liệu khác nhau, vừa quen thuộc, vừa đặc trưng của vùng đất miền Tây Nam Bộ như: lá thốt nốt, lá chuối, mo cau, vỏ tràm, lá sen, gạo... văn nghệ sĩ và Nhân dân ÐBSCL nghiên cứu, sáng tạo thành nhiều tác phẩm chân dung Bác Hồ. Hiện, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ÐBSCL (ở TP Cần Thơ) đang sưu tập, trưng bày.

Chân dung Bác Hồ bằng lá sen do Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa, tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu sáng tạo.

Chân dung Bác Hồ bằng lá sen do Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa, tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu sáng tạo.

Cùng tìm hiểu về các hiện vật người dân ÐBSCL sưu tầm, sáng tác về Bác, nhiều bạn trẻ tâm đắc và quyết tâm rèn luyện, phấn đấu trên từng cương vị, lĩnh vực công tác, hoạt động, học tập.

Em Võ Ngọc Bảo Trân, học sinh lớp 12, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), bày tỏ: “Bản thân em rất tự hào khi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ đó có phương châm sống, học tập tích cực. Những hiện vật về Bác của Nhân dân vùng ÐBSCL càng thôi thúc thế hệ học sinh chúng em xây dựng lý tưởng đẹp và là công dân có ích như di nguyện của Người”.

Mỗi lần nhớ về Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng, bao la rộng lớn Người dành cho dân tộc Việt Nam, cho miền Nam, vẫn làm xúc động triệu triệu trái tim. Tình cảm, sự trân trọng, tấm lòng kính yêu của quân, dân ÐBSCL về Bác cả hôm nay và mai sau vẫn thuần khiết, sắt son./.

Phong Phú - Phúc Danh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bieu-tuong-long-dan-mien-nam-voi-bac-a32579.html