Gỡ rào cản để doanh nghiệp lạc quan hơn

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Nhiều vấn đề được đặt ra trong báo cáo cho thấy triển vọng kinh doanh vẫn còn nhiều yếu tố cản trở.

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp (DN) thiếu lạc quan hơn về lộ trình phát triển. Các rào cản về chính sách và những khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh là những vấn đề khiến DN lo lắng.

Chỉ số niềm tin sụt giảm

Theo Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, khi khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong 2 năm tới, sự lạc quan của DN ở mức thấp so với những năm trước. Trong đó, chỉ có 27% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể so với con số 35% của năm 2022. Tỷ lệ này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Cùng với đó, tỷ lệ DN dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa trong khảo sát năm 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát năm 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19.

Các DN nhỏ và vừa mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Có khoảng 56,5% DN cho biết, chính quyền cấp tỉnh ưu tiên DN lớn, bao gồm cả DN nhà nước và tư nhân, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN nhỏ và vừa.

Các DN quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm. Trong khi đó, DN phía Bắc có sự lạc quan hơn các DN phía Nam. Một trong những yếu tố mà DN đang lo lắng hiện nay là những biến động chính sách, pháp luật. Điều này gây ra những khó khăn cho DN khi buộc phải tuân thủ các quy định mới, có những quy định chưa thực sự phù hợp thực tế.

DN không mấy lạc quan nên rất cần chính quyền các địa phương có những giải pháp hữu hiệu để vực lại niềm tin cho DN.

Ông Nguyễn Hữu Khoa, đại diện Công ty TNHH Xây dựng TMDV Mai Phương (huyện Xuân Lộc), cho hay thị trường xây dựng trong 2 năm nay đang chững lại. Dù đã có những dấu hiệu nóng dần lên nhưng triển vọng vẫn rất khó khăn. Thu nhập của hộ gia đình giảm sút, các công trình mới vì thế cũng được triển khai ít hơn. Kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn thiếu ổn định, lạm phát tăng cao, rủi ro vẫn rình rập. Các DN bên cạnh sự nỗ lực vượt qua các thách thức, vượt qua cơn gió ngược để phát triển thì cũng rất cần sự hỗ trợ hơn về mặt chính sách.

DN vẫn vướng nhiều vấn đề cần được hỗ trợ

Trong báo cáo chỉ số PCI 2023 của các tỉnh, thành, VCCI nhận định năm vừa qua là năm khó khăn nhất mà các DN gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, các DN nêu khó tiếp cận nguồn vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

"57,1% DN được hỏi cho biết khó khăn lớn nhất họ gặp phải là tiếp cận vốn tín dụng. Xét theo chuỗi thời gian, đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát DN thường niên của VCCI" - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng vẫn là khó khăn thường trực của nhiều DN, một vấn đề trở ngại nữa là các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai khá phổ biến. Trong đó bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định; cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định. Đáng lưu ý là nhiều DN cho biết, họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai. Nếu các trở ngại này vẫn tiếp diễn, việc bỏ lỡ các cơ hội đầu tư, kinh doanh sẽ tiếp tục diễn ra.

Tại Tọa đàm Thực trạng và giải pháp phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở Việt Nam - từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai được tổ chức ngày 16-5 mới đây, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, có những ý kiến DN đưa ra từ lâu song vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Những bất cập trong hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế... đang là yếu tố mà các DN rất mong muốn cơ quan Nhà nước sớm tháo gỡ trong thời gian tới.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/go-rao-can-de-doanh-nghiep-lac-quan-hon-56c4c03/