Giữ nghề đan lát thủ công của người Mường vùng cao Tân Lạc

Trong tiết trời se lạnh, khi những cành hoa mận, hoa đào trên khắp các triền đồi đua nhau khoe sắc vẫy chào mùa Xuân, chúng tôi có dịp đến thăm xã vùng cao Vân Sơn, huyện Tân Lạc. Nơi đây còn lưu giữ được nghề đan lát thủ công truyền thống. Đối với người dân tộc Mường ở Tân Lạc, những sản phẩm đan lát thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo của dân tộc cần được quan tâm giữ gìn.

Trong tiết trời se lạnh, khi những cành hoa mận, hoa đào trên khắp các triền đồi đua nhau khoe sắc vẫy chào mùa Xuân, chúng tôi có dịp đến thăm xã vùng cao Vân Sơn, huyện Tân Lạc. Nơi đây còn lưu giữ được nghề đan lát thủ công truyền thống. Đối với người dân tộc Mường ở Tân Lạc, những sản phẩm đan lát thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo của dân tộc cần được quan tâm giữ gìn.

Gia đình ông Hà Công Tiên, xóm Hượp, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc giữ gìn nghề đan lát truyền thống.

Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã Vân Sơn, chúng tôi đến thăm xóm Hượp. Gia đình ông Đinh Văn Thăm là một trong những hộ trong xóm vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống. Năm nay ông 64 tuổi nhưng đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt, cần mẫn, uốn nắn đan hoa văn trên chiếc gùi, mâm cơm, mẹt, bồ đựng quần áo… để phục vụ nhu cầu gia đình và cung cấp cho thị trường, tăng thêm thu nhập. Ông Thăm cho biết: "Nghề đan lát ở đây đã có từ lâu đời. Tôi gắn bó với công việc này được hơn 40 năm. Công việc không mất quá nhiều công sức, cũng không quá khó mà phù hợp với những người có tuổi. Nghề này có từ khi nào không ai biết rõ, cứ cha truyền con nối, nhưng muốn giỏi nghề phải chăm chỉ, chịu khó và phải có năng khiếu. Lưu truyền nghề là giữ lại nét văn hóa, cội nguồn của tổ tiên, vì vậy những năm qua, dù nghề đan lát thu nhập không cao nhưng tôi vẫn gìn giữ và truyền dạy cho con, cháu. Hướng dẫn tận tình cho con từng cách trẻ lạt, tìm cây. Để học và đan được những chiếc mẹt, sàng, mâm cơm, gùi… đẹp không hề đơn giản mà phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo từ khâu tìm loại cây thích hợp”.

Ông Hà Công Tiên, xóm Hượp cho biết thêm: "Để tạo ra những sản phẩm đều có sẵn trong tự nhiên, nhưng chọn như thế nào để tạo ra sản phẩm đan lát đẹp, bền thì không phải là chuyện dễ dàng, mà phải vào rừng chọn kỹ càng từng cây tre, nứa, mây già có độ tuổi từ 3 năm trở lên, vì cây non rất giòn, dễ gãy, dễ bị mọt. Phải chọn cây thân to, dóng dài đan mới bóng và bền đẹp”.

Trước đây, người dân đan lát thủ công chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Những năm trở lại đây, nghề đan lát phát triển và trở thành hàng hóa bày bán rộng rãi tại các chợ phiên, khu du lịch, được du khách và người dân ưa chuộng. Những sản phẩm đan được như: mâm cơm, rổ, rá, nong, nia, mẹt, sàng sẩy gạo, gùi… là những vật dụng không thể thiếu trong gia đình, gắn bó với người phụ nữ từ xa xưa.

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ hiện đại khiến cho nghề đan lát truyền thống dần bị mai một. Thế nhưng, trước sự phát triển mạnh mẽ ấy vẫn còn có những người như ông Thăm, ông Tiên bằng sự đam mê, tâm huyết, họ là những người "thổi hồn” vào mây, tre, nứa, tạo ra các sản phẩm giản dị nhưng đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống quê hương.

Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Tân Lạc nhấn mạnh: "Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng của người Mường vùng cao Vân Sơn nói riêng, người Mường Tân Lạc nói chung. Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành tìm ra hướng đi khai thác giá trị sản phẩm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành mặt hàng có giá trị bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Mường huyện Tân Lạc”.

Mai Chinh

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/186668/giu-nghe-dan-lat-thu-cong-cua-nguoi-muong-vung-cao-tan-lac.htm