Giữ hồn cho đô thị cổ Hội An

Với đặc thù là di tích sống, là nơi cư trú, mưu sinh của con người bao đời, những ngôi nhà cổ được ví như 'linh hồn' của Di sản thế giới Phố cổ Hội An. Thế nhưng đô thị cổ Hội An đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất hồn cốt, giá trị chân thực, khi nhiều chủ sở hữu bán nhà cổ.

Chỉ 30% nhà cổ Hội An của người Hội An

Ngôi nhà cổ của bà Trần Thị Minh Thúy ở đường Nguyễn Thái Học thuộc khu phố cổ - vùng lõi của Di sản thế giới Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Thời điểm trước dịch Covid-19, dù ngôi nhà được trả giá hơn 40 tỷ đồng nhưng gia đình bà nhất quyết không bán do đã gắn bó nhiều đời với nơi này và “để lại làm nhà thờ”. Tuy nhiên, trường hợp như gia đình bà Thúy không nhiều. Riêng đoạn đường Nguyễn Thái Học, hầu hết nhà cổ đã sang nhượng từ lâu và chỉ còn cho thuê kinh doanh. “Chỉ còn hai nhà sinh sống ở đây. Hàng xóm chuyển đi hết cũng buồn”, bà Thúy chia sẻ.

Một ngôi nhà trên đường Trần Phú, khu phố cổ Hội An, được rao bán với giá 34 tỷ đồng. Nguồn: batdongsan.com.vn

Một ngôi nhà trên đường Trần Phú, khu phố cổ Hội An, được rao bán với giá 34 tỷ đồng. Nguồn: batdongsan.com.vn

Phố cổ Hội An có hơn 1.000 công trình kiến trúc cổ san sát nhau, tạo thành quần thể kiến trúc độc đáo, hài hòa từ cảnh quan, không gian đô thị đến từng công trình riêng lẻ. Trong số đó, chỉ khoảng 10% thuộc diện Nhà nước quản lý (gần 100 ngôi nhà); 20% do tập thể sở hữu, gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ; 70% còn lại thuộc sở hữu tư nhân. Đáng chú ý, trước đây những ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân hầu hết là của người dân Hội An thì nay chỉ 30% trong số đó của người Hội An, 30% chủ sở hữu là người Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... 40% của người Hội An nhưng cho người nơi khác thuê.

Dạo quanh phố cổ Hội An không khó để bắt gặp những tấm biển đăng bán nhà, nhất là sau dịch Covid-19, công việc kinh doanh gặp khó khăn, nhiều đoạn phố vắng tanh. Trên các trang web bất động sản, nhiều ngôi nhà trong phố cổ Hội An được rao bán với giá dao động từ 15 - 60 tỷ đồng.

Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong cuộc làm việc mới đây, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc thay đổi chủ sở hữu những ngôi nhà trong khu phố cổ “đang là nỗi lo rất lớn của Hội An”, “có nguy cơ làm mất đi hồn cốt của phố cổ”. Ông Nguyễn Văn Sơn giải thích: ngôi nhà cổ của Hội An vốn có 3 chức năng là thờ cúng, ở và buôn bán, thì nay chỉ còn chức năng buôn bán, 8 - 9 giờ sáng mở cửa, 9 - 10 giờ tối đóng cửa. Hơn thế, người nơi khác đến mua nhà ở phố cổ Hội An chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh nên tìm cách sửa chữa, cải tạo...

“Đối với người Hội An, họ ý thức rất cao trách nhiệm gìn giữ ngôi nhà cha ông để lại, nhưng chuyển sở hữu cho người khác, trách nhiệm ấy giảm bớt, thậm chí có xung đột giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế, thay đổi kiến trúc ngôi nhà”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Có chính sách rõ ràng hơn với chủ di sản

Không phải bây giờ mới có hiện tượng chuyển nhượng sở hữu những ngôi nhà trong khu phố cổ Hội An. Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết, các ngôi nhà trong phố cổ như hàng hóa bình thường, được mua bán, chuyển nhượng, không có quy định nào cấm hay không cho phép cả. Theo thống kê, có những năm có đến 40 - 50 ngôi nhà cổ được mua bán, chuyển nhượng, đặc biệt là các ngôi nhà thuộc sở hữu tộc họ.

Sự thay đổi chủ sở hữu có thể làm biến đổi chức năng, cấu trúc, không gian nhà cổ, ảnh hưởng đến sự bảo tồn toàn vẹn chung của khu phố cổ. Lãnh đạo thành phố Hội An nhận thức rất rõ điều này, nhưng nhìn đâu cũng khó. “Chúng tôi rất muốn mua lại nhà cổ. Nhiều ngôi nhà có giá trị đặc biệt, bị bán đi tiếc lắm, nhưng không có cơ chế để mua lại, cũng không có nguồn lực”, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Hội An đang nghiên cứu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới đô thị cổ Hội An, trong đó có tính đến giải pháp đưa người Hội An trở lại phố cổ, như tạo nguồn quỹ bảo tồn di sản để mua lại nhà cổ và cho người dân thuê ở, hạn chế biến nhà cổ thành điểm phục vụ kiếm tiền, làm biến dạng di sản. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Sơn, cần có chính sách rõ ràng hơn đối với chủ di sản. “Ở trong phố cổ người dân đã phải hy sinh, không được cải tạo làm nhà cao tầng, không được sửa chữa đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, nhưng thuế vẫn đóng đủ, thậm chí cao hơn... Đối xử với nhà cổ như ngôi nhà bình thường, người ta sẽ bán hết”.

Nhấn mạnh, việc chuyển sở hữu nhà cổ Hội An “rất nguy hiểm” vì sẽ làm mất đi phần hồn và giá trị chân thực của di sản thế giới này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho rằng, sắp tới khi sửa Luật Di sản văn hóa, hoặc các chính sách liên quan như thuế, phí, đất đai... “cần nghiên cứu có cơ chế phù hợp để cộng đồng địa phương thực sự là chủ nhân của di sản”.

Anh Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/giu-hon-cho-do-thi-co-hoi-an-i336728/