Giới trẻ Việt tìm về nghệ thuật chèo

Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến nghệ thuật chèo, trong đó có những sinh viên giàu nhiệt huyết của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Mới đây, sinh viên Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội đã tổ chức thành công chương trình nghệ thuật Hề gậy hề mồi với mục đích giúp khán giả hiểu thêm và trải nghiệm sự giao thoa giữa chèo cổ và chèo hiện đại.

Chương trình nghệ thuật Hề gậy hề mồi thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ và sinh viên. (Nguồn: BTC)

Chương trình diễn ra tại Nhà văn hóa Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của khán giả cùng các vị khách mời và sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng để tạo nên chương trình, Nhật Linh - Trưởng Ban nội dung, cho biết: “Chèo là bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc nhưng đang dần mất vị thế bởi các hình thức giải trí hiện đại.

Chính vì lẽ đó, Hề gậy hề mồi ra đời và thông qua chương trình, chúng tôi hy vọng có thể xây dựng tình yêu chèo trong giới trẻ nói riêng và tình yêu với các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung".

Với phần đầu tiên là Gánh chèo, chương trình đãi tái hiện một cách tinh tế và mộc mạc nhất những nét đặc trưng của làng Bắc Bộ - nơi bắt nguồn những làn điệu chèo qua các khoảng không gian được phục dựng như cổng làng quê Bắc Bộ, mái sân đình, kiến trúc dân gian... cùng một triển lãm ảnh nhỏ mang tên “Phi hề bất thành chèo”.

Khi nhắc đến gánh chèo, hầu hết mọi người đều liên tưởng tới phường chèo, gánh hát chèo hay tổ chức của những người hát chèo.

Bởi vậy, Ban tổ chức còn tái hiện một gánh chèo xưa với vở diễn giao lưu Mẹ Đốp và lý trưởng, kết hợp hài hòa với các làn điệu âm nhạc dân gian và trình diễn trang phục chèo.

Sau khi nội dung đầu tiên kết thúc, khán giả được mời vào không gian tiếp theo với phần thứ hai mang tên Hề gậy hề mồi, gồm ba nội dung: “Cội nguồn văn hóa”, "Xuân làng chèo” và "Sự giao thoa thời đại".

Tại đây, chương trình đã tái hiện một không gian văn hóa chèo đặc sắc, nơi có sự giao thoa nhịp nhàng giữa quá khứ và thực tại, giữa truyền thống và hơi thở thời đại mới thông qua những màn trình diễn đặc sắc, đầy cảm xúc và cách truyền tải dễ tiếp cận với lớp trẻ hơn.

Không chỉ thể hiện hành trình đầy cảm hứng của các bạn sinh viên Gen Z nhiệt huyết, chương trình còn có sự kết hợp đầy sáng tạo cùng những diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Chèo Việt Nam và những nghệ sĩ trẻ đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội trong các trang phục truyền thống chèo. (Nguồn: BTC)

Như vậy, giữa vô vàn loại hình nghệ thuật hiện đại, không ít các bạn trẻ Việt Nam vẫn đang miệt mài các dự án lan tỏa tình yêu với nghệ thuật dân tộc.

Nhiều người thường nghĩ giới trẻ thờ ơ với nghệ thuật dân tộc. Thế nhưng, những chươnng trình của các bạn sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội hay Dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” đã chứng minh thực tế khác.

Đó là một xu hướng người trẻ tìm đến với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo một cách tự nguyện, hào hứng và tạo được một lối đi mới, cách tiếp cận mới.

Dưới sự bảo trợ của “Tôi 20” – một tổ chức phi lợi nhuận của các sinh viên, cùng với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững, "Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương" đã truyền cảm hứng và kết nối những bạn trẻ, đặc biệt ở độ tuổi học sinh, sinh viên, với những giá trị đặc sắc, nét đẹp truyền thống của chèo dân gian Việt Nam.

Trải qua gần 10 năm thực hiện, dự án này đã tổ chức thành công hơn 20 khóa học với các bộ môn nghệ thuật cổ truyền như chèo, xẩm, chầu văn...

Hơn 60 chương trình trải nghiệm sáng tạo cũng đã được tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400.000 học viên và khán giả trong, ngoài nước, như: “Không gian nguồn cội”; “Young Culture day”; “Về nguồn”; “Gala tôi chèo về quê hương”; chuỗi workshop “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, “Múa chèo”.

Quỳnh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gioi-tre-viet-tim-ve-nghe-thuat-cheo-254572.html