Giới đầu tư chạy đua rót vốn vào các startup non trẻ của Mỹ

Trong năm 2021, các nhà đầu tư đã rót số tiền kỷ lục 93 tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu và phần lớn chưa có doanh thu ở Mỹ, tăng gấp ba lần so với 5 năm trước.

Khách hàng xếp hàng chờ mua trước xe bán cà phê lưu động của startup Blanket Street ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: Forbes

Blank Street là một startup có mô hình kinh doanh khá đơn giản: bán cà phê ở các cửa hàng nhỏ hoặc trên những chiếc xe lưu động đặt ở các góc phố. Công ty này ra mắt điểm bán đầu tiên cách đây 17 tháng, trước khi mở rộng ra nhiều nơi ở Manhattan và Brooklyn tại TP. New York.

Cách đây vài năm, một chuỗi cửa hàng cà phê giá rẻ, trang bị tối giản, dù đang phát triển nhanh chóng, cũng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự quan tâm từ các nhà đầu tư công nghệ. Nhưng hiện nay, nhờ cơn sốt đầu tư vào các startup mới phát triển giai đoạn đầu, Blank Street đã tổ chức ba vòng gọi vốn thành công chỉ trong một năm. Vinay Menda, 29 tuổi, Gám đốc điều hành Blank Street, trong vòng gọi vốn hồi tháng 10-2021, công ty anh nhận được các cam kết góp vốn 35 triệu đô la, chỉ ba tháng sau khi nhận được khoản đầu tư 25 triệu đô la.

Menda, một nhà đầu tư mạo hiểm, người đồng sáng lập Blank Street vào năm 2020, nói: “Chúng tôi đang sống trong một thế giới dồi dào nguồn vốn. Việc huy động dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây”.

Trong năm qua, giới đầu tư đã chạy đua rót vốn vào một hạng mục đầu tư rủi ro cao: các startup mới phát triển giai đoạn đầu. Họ đầu tư vào cả những startup chưa có nhân viên hoặc chưa cung ứng sản phẩm ra thị trường. Dù lĩnh vực khởi nghiệp được hưởng lợi khi lượng tiền mặt trên thị trường ngày càng tăng trong phần lớn thập kỷ qua, phần lớn trong số tiền đó chảy vào các startup đã trưởng thành và đã thử nghiệm thành công các mô hình kinh doanh.

Nhưng trong năm 2021, giới đầu tư đã bơm đến 93 tỉ đô la vào startup giai đoạn hạt giống và giai đoạn đầu ở Mỹ. Con số tăng mạnh so với 52 tỉ đô la trong năm 2020 và 30 tỉ đô la trong năm 2016, theo dữ liệu của PitchBook. Nguồn tiền nhiều hơn nhưng số lượng startup được tài trợ vốn gần như không tăng dẫn đến các mức định giá cao.

Trong năm 2021, mức định giá trung bình của các startup giai đoạn hạt giống và giai đoạn đầu ở Mỹ là 26 triệu đô la, tăng mạnh so với con số 16 triệu đô la trong năm 2020 và 13 triệu đô la trong năm 2016.

Các nhà đầu tư đặt cược vào hạng mục đầu tư này cho biết họ thấy có nhiều không gian hơn để các startup non trẻ phát triển. Họ được khuyến khích vì nhiều công ty đầu tư mạo hiểm đang kiếm được mức lợi nhuận tốt nhất trong hơn hai thập niên qua nhờ đầu tư sớm vào các startup công nghệ như hãng phần mềm Snowflake hay Công ty giao đồ ăn DoorDash. Dòng vốn ồ ạt như hiện nay khiến một số nhà đầu tư nổi tiếng lên tiếng báo động thị trường khởi nghiệp đang phát triển quá nóng.

Fred Wilson, đối tác ở Công ty đầu tư mạo hiểm at Union Square Ventures và là nhà đầu tư sớm của Twitter và Coinbase Global, chủ sở hữu sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Mỹ, cho biết trước đây, có khá ít startup được định giá định 100 triệu đô la trước khi xây dựng được một mô hình kinh doanh bền vững.

Sam Altman, cựu chủ tịch Vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, đơn vị đã hỗ trợ cho những startup DoorDash và Airbnb, nhận định lợi nhuận đầu tư mạo hiểm trong thập kỷ này “sẽ kém hơn nhiều so với những năm 2010”.

Để cạnh tranh, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm dành ít thời gian hơn cho việc kiểm tra lý lịch nhân sự của startup và các nghiên cứu khác trước khi đầu tư. Cơn bán tháo cổ phiếu của một số công nghệ ở Phố Wall trong thời gần đây khiến giới đầu tư mạo hiểm đặc biệt lo ngại vì xu hướng thị trường khởi nghiệp thường đi theo diễn biến của thị trường đại chúng.

Dòng tiền từ các quỹ phòng hộ thường nhắm đến các startup phát triển ở giai đoạn cuối. Nhưng phân khúc đầu tư này đã “đông khách” nên các quỹ đầu tư khác phải săn tìm những startup ở giai đoạn đầu.

Tiger Global, một quỹ phòng hộ ở New York, đã tham gia hơn 350 vòng gọi vốn của các startup trong năm 2021, tăng so với con số 78 vào năm ngoái, theo PitchBook. Cách đây vài năm, những quỹ đầu tư giàu có nhất thường chỉ thực hiện chỉ chục khoản đầu tư như vậy trong một năm.

Một trong số khoản đầu tư của Tiger Global là Blank Street, startup đang đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Menda, Giám đốc điều hành của Blank Street, cho biết cách tiếp cận mô hình kinh doanh gọn nhẹ mang lại cho công ty anh biên lợi nhuận cao và mức doanh thu tăng gấp bốn lần kể từ khi huy động vốn vào tháng 9 năm ngoái.

Các startup có thể tổ chức nhiều vòng gọi vốn liên tiếp chỉ trong vài tuần nếu họ khởi nghiệo trong lĩnh vực đang “hot” như tiền mã hóa hay thẻ tín dụng doanh nghiệp. Trong những thời điểm trầm lắng hơn, các nhà đầu tư mạo hiểm thường khuyên các startup huy động vốn từ 9-18 tháng một lần.

Mark Suster, một đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm Upfront Ventures, cho biết các startup giai đoạn đầu mà ông xem xét đầu tư những năm thập niên 2010 được định giá trung bình khoảng 15 triệu đô la. Giờ đây, mức định giá trung bình của các startup non trẻ, thường là chưa có doanh thu, lên tới 25 triệu đô la.

Để thích nghi, ông chấp nhận đặt cược “nhanh hơn, sớm hơn”, phần lớn dựa vào việc đánh giá năng lực của những người sáng lập và số lượng nhân sự thuê ban đầu hơn là chất lượng của sản phẩm.

Các nhà đầu tư khác chuyển sang những mục tiêu phi truyền thống hơn. Tháng 8 năm ngoái, startup Colossal đã huy động được hơn 16 triệu đô la cho kế hoạch hồi sinh loài voi ma mút lông cừu tuyệt chủng cách đây 4.000 năm bằng cách sửa đổi bộ gen của voi châu Á. Colossal cho biết có nhiều cơ hội kiếm tiền tiềm năng từ công nghệ mới này bao gồm thành lập “công viên voi ma mút”, hoặc cho thuê voi ma mút để làm phim.

Theo Wall Street Journal

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-dau-tu-chay-dua-rot-von-vao-cac-startup-non-tre-cua-my/