'Gieo hạt mầm' bảo tồn di sản

Sáng sớm Chủ nhật, chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình đã rộn ràng trong tiếng nhạc truyền thống ngũ âm, hòa quyện với những điệu múa dân gian, thể hiện nét đặc sắc của văn hóa đồng bào dân tộc Khmer. Ðiều cuốn hút là thành viên của ban nhạc, đội múa đều là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Gia đình 3 thế hệ gìn giữ và bảo tồn nghề di sản
Bảo tồn nghệ thuật dù kê
Khơi dòng di sản

Cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn Hữu Thùy Anh, 7 tuổi, duyên dáng trong điệu múa, cười thật tươi: “Ðược học múa, con rất thích. Nhà con ai cũng biết múa điệu múa của đồng bào mình. Tết này con sẽ được múa cùng anh chị trên sân khấu tại chùa”.

Em Hữu Thùy Anh say mê điệu múa dân gian.

Vừa có thể chơi được các loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm, vừa múa được rất nhiều điệu múa dân gian, em Lê Hữu Khánh Vy, lớp 12C3, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ, em được học nhạc ngũ âm trong dịp hè năm 2023 tại chùa và duy trì tập luyện cùng các bạn đến nay. Khác hoàn toàn với dòng nhạc hiện đại, nhạc ngũ âm có nhiều giai điệu vui tươi, đôi lúc trầm, nhưng là nét truyền thống của dân tộc mình. Em cảm thấy tự hào khi mình theo học và chọn dòng nhạc này. Về các điệu múa, cũng mang tính nghệ thuật cao, từ ngón tay cho đến gót chân đều có “tiếng nói” riêng; động tác sử dụng phải thật uyển chuyển. Trang phục truyền thống cũng vô cùng đẹp mắt. “Mỗi dịp cuối tuần, chúng em sẽ về chùa Rạch Giồng để luyện nhạc, tập múa. Còn có rất nhiều em nhỏ cũng đến học, tạo không khí sinh hoạt cộng đồng vui tươi”, Khánh Vy tấm tắc.

Nhạc ngũ âm có sức hút rất lớn đối với lớp trẻ, tạo nên thế hệ kế thừa đam mê nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Ðại đức Hữu Nhiều, Trụ trì chùa Rạch Giồng, cho biết, đối với nhạc ngũ âm, chùa mời thầy về dạy vào dịp hè, còn lớp múa thì mới mở dịp đón tết Chôl Chnăm Thmây và đây là lớp học đầu tiên được mở tại chùa dành cho mọi đối tượng. Ai thích đều có thể đến học và sẽ được biểu diễn trên sân khấu chùa, đúng vào dịp tết Chôl Chnăm Thmây, với hình thức sinh hoạt cộng đồng. “Rất mừng vì các em nhỏ đến học rất đông, các em tiếp cận và hiểu được giá trị của các loại hình di sản phi vật thể này. Các em không chỉ thỏa được niềm đam mê mà còn là lớp kế thừa gìn giữ những giá trị văn hóa mà các thế hệ cha ông để lại”, Ðại đức Hữu Nhiều cho hay.

Đại đức Hữu Nhiều động viên tinh thần các em siêng năng tập luyện để trình diễn tốt hơn.

Tuy nhiên, Ðại đức Hữu Nhiều đau đáu, mong muốn phát triển, lan tỏa giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống này. Bởi chùa hiện có 2 ban nhạc ngũ âm, nhưng đội thứ nhất chỉ chơi được 1 bài; đội thứ 2 là các em học sinh thì tiếp thu nhanh hơn, chơi được 2 bài. Dù không ngừng học hỏi, nhưng vẫn chưa thể phát huy những hạt nhân nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương; trong đó, kinh phí mời nhạc công về dạy cũng là trăn trở lớn.

Thầy Hữu Lý Vui, Bí thư Ðoàn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, tâm tình: “Quả thật, rất cần chi phí đầu tư cho các em học sinh học và tập luyện để chơi được nhiều bài nhạc hơn. Hiện tại nhà trường chưa có dàn nhạc ngũ âm, muốn tập luyện, các em phải vào chùa, trong khi các em ở nội trú. Tuy rằng chùa tạo điều kiện cho mượn về trường, nhưng chi phí vận chuyển cũng là nỗi lo. Về múa, hầu hết chỉ là “cây nhà lá vườn”, mặc dù trường đã thành lập được Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc, nhưng chỉ khi biểu diễn lễ, Tết mới thuê trang phục, còn sinh hoạt quy mô nhỏ thì mặc đồng phục múa...”.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau sinh hoạt Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc.

Thực tế, dù đang sống trong thời đại mới, hội nhập văn hóa nhưng các em nhỏ, bạn trẻ hiện nay vẫn rất thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Các em thực sự cần được hỗ trợ truyền dạy và tạo điều kiện biểu diễn nghệ thuật truyền thống; và cần sự kết nối mật thiết giữa những nghệ nhân, nhạc sĩ giỏi nghề với người trẻ, để thắp lửa đam mê. Việc các nhà chùa, các trường phổ thông dân tộc nội trú tạo cơ hội cho học sinh, lớp trẻ học nhạc, học múa là cách để thổi vào lòng các thế hệ kế thừa niềm đam mê nghệ thuật theo đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Không dừng lại ở đó, nhạc ngũ âm và các điệu múa dân tộc Khmer hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa một cách bền vững./.

Băng Thanh - Lê Tuấn - Minh Thừa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-gieo-hat-mam-bao-ton-di-san-a32053.html