Giáo sư Ngụy Như Kon Tum - người thầy mẫu mực

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamGiáo sư Ngụy Như Kon Tum - nhà khoa học tài năng, là hiệu trưởng đầu tiên và lâu nhất của Trường Đại học Tổng hợp của nước ta. Ông là đại biểu Quốc hội Khóa III và Khóa IV.

Lập kỳ tích cùng lúc nhận 3 bằng Tú tài

Ngụy Như Kon Tum sinh ngày 3.5.1913 tại Kon Tum trong một gia đình viên chức. Quê gốc của ông là xã Minh Hương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Được sinh ra tại Kon Tum, bố mẹ ông lấy mảnh đất đó đặt tên ông làm kỷ niệm. Cư dân Kon Tum khi ấy chủ yếu là đồng bào Ba Na. Suốt thời thơ ấu, ông làm bạn với núi rừng, với bạn bè người Ba Na. Vì vậy, ông rất ít khi dùng tiếng Việt cho đến những năm đầu của bậc Thành chung.

Năm 11 tuổi, bố ông, cụ Ngụy Như Bích, được chính quyền bảo hộ điều về Huế. Ông theo gia đình và vào học lớp Nhì bậc tiểu học. Học đến năm thứ tư Thành chung, được thầy Đặng Thái Mai vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm dạy và kèm tiếng Việt, nên tiếng Việt của ông ngày càng khá hơn. Tốt nghiệp Thành chung hạng ưu, ông được cấp học bổng để ra Hà Nội học Ban Tú tài trường Bưởi. Năm 1932, ông lập kỳ tích trong học tập là cùng lúc nhận 3 bằng Tú tài: Tú tài Tây ban Toán, Tú tài Tây ban Triết và Tú tài bản xứ. Đây là sự kiện hiếm thấy ở trường Bưởi. Với thành tích nổi trội đó, ông được cấp học bổng sang Pháp học tại Trường Đại học Sornonne - ngôi trường lâu đời và danh tiếng tại Pháp.

Thông minh, ham học, sau 3 năm miệt mài, ông tốt nghiệp Cử nhân Vật lý và 3 năm sau, ông bảo vệ thành công Luận án Thạc sĩ Lý - Hóa loại xuất sắc. Với kết quả nghiên cứu nổi trội, ông được nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của Pháp thời đó là Giáo sư Joliot Cuiri nhận hướng dẫn nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của ông. Năm 1939, ông trở về nước và được bổ nhiệm về dạy ở Trường Chasseloup Sài Gòn.

Năm 1941, theo đề nghị của ông, chính quyền bảo hộ đồng ý điều ông ra dạy tại trường Bưởi. Ngày 19.5.1941, Mặt trận Việt Minh ra đời mở cho ông con đường “đồng hành cùng dân tộc”. Hưởng ứng chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh, ông cùng các giáo sư Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Trần Văn Khang... chuyển sang dạy tất cả các môn học bằng tiếng Việt, mở đầu cho việc sử dụng tiếng Việt trong ngành giáo dục Việt Nam. Giáo sư cũng là người đi đầu trong việc xóa bỏ sự ngăn cách giữa nhà trường và xã hội, đưa các “ông Tú, bà Tú tương lai” vào cuộc sống thường ngày bằng cách lập tổ chức du lịch Đoàn Rồng do ông làm Trưởng đoàn, gồm nhiều đội, mỗi đội mang tên một danh nhân, một nhà yêu nước Việt Nam đi tham quan các danh lam thắng cảnh, như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, cố đô Hoa Lư, di tích Lam Sơn... nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Năm 1942, ông cùng các bạn bè, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào cho ra đời tờ báo khoa học đầu tiên của nước ta bằng tiếng Việt do Giáo sư Nguyễn Xiển làm chủ bút. Ông phụ trách mục Khoa học viễn tưởng và thường xuyên viết bài về những chuyến bay của con người ra ngoài vũ trụ trong tương lai.

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, trường học phải đóng cửa, Giáo sư được điều động làm Giám đốc Đông Dương học xá.

Ngày 19.12.1946, toàn quốc kháng chiến, Giáo sư lên chiến khu Việt Bắc và được cử làm Phó Tổng Giám đốc Trung học vụ, đồng thời là Đổng lý Bộ Quốc gia giáo dục đến hết năm 1950. Theo ông kể, đấy là thời gian ông dồn tâm huyết, trí tuệ và sức lực cho việc xây dựng bậc trung học trên quy mô cả nước theo phương châm: Việt Nam, hiện đại. Cũng trong thời gian này, ông biên soạn bộ sách giáo khoa Vật lý cho các trường. Ông đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng ngành đại học. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, ông đã giúp Giáo sư Nguyễn Xiển mở lớp Toán học hàm thụ rồi lớp Toán học đại cương và viết các cuốn Toán học đại cương, Cơ học thuần lý làm tài liệu giảng dạy đầu tiên cho lớp khoa học cơ bản.

26 năm liên tục là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Năm 1951, để chuẩn bị nhân lực cho tương lai khi đất nước được giải phóng, ông được Nhà nước cử sang dạy tại khu học xá Trung ương đóng tại Nam Ninh, Trung Quốc. Lúc này, giáo sư Ngụy Như Kon Tum được phân công phụ trách trường Sư phạm cao cấp và làm giảng viên Vật lý trường khoa học cơ bản. Năm 1954, ông được điều về Hà Nội dạy Vật lý tại Trường Đại học Sư phạm khoa học. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên và đảm nhiệm chức vụ đó suốt 26 năm. Đến năm 1982, ông bước sang tuổi 70 và được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Có thể nói, 26 năm Giáo sư Ngụy Như Kon Tum làm Hiệu trưởng là những năm tháng đầy sôi động, vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang của dân tộc ta, trong đó có 10 năm chống Mỹ cứu nước. Đại học Tổng hợp cũng như các trường Đại học Bách khoa, Nông nghiệp, Sư phạm, Kinh tế quốc dân... đã trở thành những chiến hào chống Mỹ; hai lần sơ tán, phân tán lên trung du, miền núi và về những vùng quê xa Thủ đô, đưa sinh viên ra tiền tuyến, góp phần cùng cả dân tộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dù bận rộn với công việc quản lý một trường lớn trọng điểm của đất nước, nhưng Giáo sư chưa bao giờ rời bỏ công tác giảng dạy. Với vốn liếng kiến thức uyên thâm, cách trình bày hấp dẫn, cuốn hút sự chăm chú của sinh viên, ông được các thế hệ sinh viên đánh giá là người thầy mẫu mực. Ông thường nhắc nhở các thế hệ khoa học trẻ” “Cái quan trọng nhất đối với người làm cán bộ khoa học là đức tính trung thực. Cái gì biết bảo là biết. Còn cái gì không biết thì bảo là không biết. Như thế mới là biết”.

Vận dụng những kiến thức uyên thâm về Vật lý, ông đã cùng Giáo sư Nguyễn Xiển chung sức xây dựng ngành Vật lý địa cầu Việt Nam. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum cũng là Trưởng đoàn các nhà khoa học Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị Vật lý địa cầu quốc tế tại Moscow, Nga năm 1957.

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum không chỉ là nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý tài năng, mà còn là nhà hoạt động xã hội đầy tâm huyết, có uy tín với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ông được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa III và IV (11 năm). Ông cũng là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục 36 năm (từ tháng 10.1955 đến khi mất); Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Chánh Thư ký Công đoàn giáo dục Việt Nam (nay là Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam), Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn giáo dục thế giới, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp.

Có nhiều năm tham gia Mặt trận, đặc biệt là từ năm 1982 khi nghỉ hưu, ông có thời gian tham gia Hội đồng Tư vấn giáo dục do Giáo sư Nguyễn Lân làm Chủ nhiệm, tôi là thường trực, mối quan hệ giữa chúng tôi thường xuyên và gắn bó hơn.

Dấu ấn ông để lại đậm nét trong tôi, đó là con người nhân hậu, khiêm tốn, sống cuộc đời thanh bạch với cái tâm trong sáng: Tất cả vì nước, vì dân.

Là Hiệu trưởng một trường đại học lớn, một giáo sư tầm cỡ, người đứng đầu ngành Vật lý hạt nhân của đất nước, ông vẫn sống trong căn phòng nhỏ ở phố Nguyễn Huy Tự. Tôi được biết, đã có lần Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Duy Hưng đã bàn, thống nhất bố trí để ông về ở căn hộ rộng hơn tại nhà B khu Kim Liên, nhưng ông khước từ với lý do: “Nhiều anh em còn chưa có chỗ ở, tôi không nỡ làm như vậy”.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/giao-su-nguy-nhu-kon-tum-nguoi-thay-mau-muc-i299209/