Giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đưa nội dung giáo dục văn hóa dân tộc vào trong trường học, để học sinh trải nghiệm. Qua đó nhằm giúp học sinh tiếp cận với văn hóa truyền thống, có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương.

Toàn tỉnh hiện có 660 trường học với trên 209.000 học sinh các cấp, trong đó trên 80% học sinh mầm non và phổ thông là con em đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn ở vùng cao, vùng sâu, xa; hiểu biết của các em về văn hóa dân tộc còn hạn chế, vì vậy thời gian qua ngành giáo dục tỉnh đã tăng cường hướng dẫn các đơn vị, trường học đưa văn hóa dân tộc vào giảng dạy, phổ biến trong nhà trường. Đây là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp những chủ nhân tương lai của đất nước thêm hiểu và yêu những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện, góp phần tích cực vào thực hiện đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Văn Quan biểu diễn hát then đàn tính tại Ngày hội Stem cấp huyện

Theo đó, nội dung giáo dục văn hóa dân tộc được các nhà trường trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Đồng thời, lồng ghép tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như thành lập các câu lạc bộ tổ chức truyền dạy hát then, đàn tính, múa sư tử mèo. Đến nay, cả tỉnh có 23 trường ở cấp tiểu học, THCS, THPT đã và đang tổ chức truyền dạy và thành lập được các câu lạc bộ hát then, đàn tính, múa sư tử mèo, thu hút trên 400 học sinh theo học. Cùng đó, các trường phổ thông còn thành lập được gần 200 câu lạc bộ di sản văn hóa dân gian. Ngoài sinh hoạt thường kỳ, các câu lạc bộ này còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi học sinh như tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, làm video, in lịch, làm tờ rơi, thuyết trình về di sản bằng tiếng Anh… từ đó, đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo học sinh.

Ngoài ra, nhiều trường học còn tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, địa điểm có nét văn hóa của địa phương; tổ chức các trò chơi dân gian trong khuôn viên trường học... Trung bình mỗi năm học, các trường trong tỉnh tổ chức được trên 1.200 hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Tiêu biểu như cuối tháng 1/2024 vừa qua, Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề Lễ hội xuân - Ngày Tết quê em để học sinh tham gia, trải nghiệm về truyền thống văn hóa dân tộc. Thầy Nông Ngọc Hồi, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, hằng năm trường đều tổ chức nhiều hoạt động đưa văn hóa dân tộc vào trường học trong các ngày lễ, ngày khai giảng, lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, qua đó thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh tham gia. Mục đích lớn nhất mà trường hướng tới là tạo cho các em một sân chơi bổ ích, lý thú, giúp các em được tiếp cận và hiểu hơn những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Cùng với đó, ở nhiều trường học, các giáo viên đã chủ động tìm hiểu tư liệu về lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật và các hoạt động văn hóa dân tộc của Lạng Sơn để đưa vào giảng dạy cho học sinh. Tiêu biểu như Thầy giáo Phùng Văn Thời, Phó Hiệu Trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Văn Quan. Những năm vừa qua, thầy đã có nhiều đóng góp trong hoạt động truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh nhà trường. Trao đổi với chúng tôi, thầy Thời cho biết: Với mong muốn truyền thụ văn hóa truyền thống của dân tộc đến thế hệ trẻ, tôi đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, học hát then, đàn tính. Từ đó về dạy lại cho học sinh trong trường. Dần dần hoạt động này đã được nhiều học sinh đón nhận, bởi vậy từ năm học 2020 – 2021, tôi đã tham mưu cho nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ hát then để tổ chức truyền dạy cho học sinh trong trường. Từ khi thành lập câu lạc bộ đến nay, những tiết mục hát then, đàn tính của học sinh nhà trường không chỉ được biểu diễn tại các hội thi văn nghệ trong trường, tại ngày khai giảng… mà còn được tham gia biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của huyện Văn Quan.

Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tham gia thi ném còn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc do ngành giáo dục tổ chức

Nhờ được tiếp cận với các hoạt động văn hóa truyền thống, học sinh các cấp trong tỉnh có cơ hội nâng cao hiểu biết và có ý thức giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình, đồng thời được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của các dân tộc khác. Em Lê Hồng Hạnh, lớp 11A3, Trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng cho biết: Em rất vui khi được học các tiết học có lồng ghép giảng dạy về văn hóa địa phương, nhất là các tiết ngoại khóa trải nghiệm về văn hóa dân tộc do nhà trường tổ chức. Tại đây chúng em được giao lưu, học hỏi thêm về văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động như: thi văn nghệ, biểu diễn trang phục truyền thống, gói bánh chưng ngày tết... Từ đó giúp chúng em có ý thức hơn trong gìn giữ, phát triển các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa; tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào vào các tiết sinh hoạt câu lạc bộ di sản văn hóa trong nhà trường… Bằng việc tổ chức trò chơi dân gian, học sinh không chỉ được chơi, khám phá để phát triển thể chất, các em còn có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Em Vũ Thùy Dương, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong các năm học, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, thi kéo co, nhảy bao bố, ô ăn quan, nhảy dây, ném còn, đẩy gậy... Thông qua hoạt động này giúp em vừa được vui chơi, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học vừa giúp em trải nghiệm nét đẹp trò chơi dân gian xưa.

Qua đây có thể thấy, trường học trên địa bàn tỉnh là một trong những “kênh” bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa dân gian có tiềm năng, mức độ lan tỏa lớn. Bởi vậy trong thời gian tới, các nhà trường và ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục tìm tòi, lan tỏa những hoạt động đưa văn hóa dân gian vào trong học đường, từ đó để các em có ý thức bảo tồn, trân trọng gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giao-duc-y-thuc-bao-ton-van-hoa-dan-toc-cho-hoc-sinh-5005965.html