Tự hào là phóng viên Báo Lạng Sơn

Với tôi, Báo Lạng Sơn không chỉ là lựa chọn của thanh xuân mà là đích đến của cả cuộc đời. Bởi Báo Lạng Sơn đã dạy tôi luôn canh cánh, trăn trở, suy tư 'viết để làm gì? Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?' mỗi khi đặt bút. Phát huy truyền thống, lớp phóng viên chúng tôi luôn tích cực rèn luyện, cố gắng, nỗ lực chuyển tải, phản ánh những thông tin hữu ích nhất đến với công chúng và nuôi dưỡng tình yêu với nghề để tiếp tục cống hiến và tự hào nói rằng: Chúng tôi là phóng viên Báo Lạng Sơn.

Phóng viên Báo Lạng Sơn tác nghiệp tại Công ty Cổ phần In Lạng Sơn

Năm 24 tuổi, tôi may mắn trở thành phóng viên của Báo Lạng Sơn, nay đã được 11 năm gắn bó. Đây thực sự là một niềm vinh dự, tự hào của bản thân. Bởi nghề báo là ước mơ của tôi từ khi còn là học sinh. Sau 2 tuần vào cơ quan thử việc, tìm hiểu, nghiên cứu cách viết, khai thác thông tin, bản thân tôi bắt đầu đi cơ sở cùng các “đàn anh, đàn chị” để tìm hiểu, khai thác thông tin, tài liệu để viết bài. Với một tỉnh miền núi như Lạng Sơn, có nhiều xã vùng sâu, vùng cao cách trung tâm thành phố trên 100km, phải băng rừng, vượt suối mới có thể đến được trung tâm xã, chính vì thế những chuyến công tác tại bản, làng vùng sâu, vùng xa, cùng ăn, cùng ở với người dân là một phần không thể thiếu trong công việc của chúng tôi. Những ngày đầu chập chững làm nghề tôi không khỏi bỡ ngỡ, các cô, chú, anh, chị đi trước giúp tôi học hỏi rất nhiều điều từ hướng dẫn đề tài, tiếp cận khai thác thông tin cho đến triển khai thực hiện hoàn thành tác phẩm.

Nếu như không công tác trong nghề báo, bản thân tôi có lẽ không có cơ hội đi hết 11 huyện, thành phố và gần 200 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, được trực tiếp nhìn thấy sự "thay da, đổi thịt" của quê hương. Từ những chuyến đi cơ sở đó, bản thân tôi được gặp gỡ nhiều mảnh đời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ quá trình tác nghiệp thực tế, tôi đã viết bài, đưa thông tin, hình ảnh hoàn cảnh khó khăn đó đến với công chúng, bạn đọc, nhiều nhân vật qua đó đã nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Điển hình như trường hợp của anh Hoàng Văn Toán (sinh năm 1983), thôn Nà Pàn, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, anh Toán lại mắc bệnh gan, sức khỏe giảm sút, lại nuôi người con đang độ tuổi ăn học nên rất khó khăn. Cả gia đình phải ở trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng mà không có điều kiện xây, sửa. Từ thông tin của bài viết trên được đăng tải trên Báo Lạng Sơn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Câu lạc bộ Thắp Sáng niềm tin, thành phố Lạng Sơn biết đến hoàn cảnh gia đình và hỗ trợ trên 50 triệu đồng để hỗ trợ anh xây dựng ngôi nhà mới. Từ khi có ngôi nhà mới (năm 2016), gia đình anh Toán đã từng bước ổn định cuộc sống, có điều kiện hơn chăm sóc các con học tập.

Đây có lẽ là niềm tự hào lớn nhất đối với bản thân tôi, bởi bài viết của mình đã góp phần kết nối các tổ chức, nhà hảo tâm, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Với nhiều người, được công tác tại Báo Lạng Sơn cũng là một bước ngoặt, một niềm tự hào. Như anh Hoàng Thanh Tùng, Phóng viên Phòng Chính trị - xã hội. Anh Tùng học chuyên ngành sư phạm, thế nhưng ra trường anh lại có cơ duyên công tác tại Báo Lạng Sơn. Anh Tùng chia sẻ: Bản thân tôi đã công tác tại Báo Lạng Sơn được 10 năm, tôi nhận ra rằng, báo chí như “chiếc phao” cuối cùng mà những người dân có thể bấu víu vào để tìm sự giúp đỡ. Và thực tế, rất nhiều vấn đề nóng, nhiều sai phạm, bất cập chỉ được giải quyết khi báo chí vào cuộc, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sau khi báo chí phản ánh. Đó là niềm tự hào của nghề báo.

Còn phóng viên Liễu Thị Chang (Chang Liễu), Phòng Phóng viên Kinh tế tâm sự: Trong quá trình tác nghiệp, đi cơ sở thực tế, tôi gặp gỡ nhiều nhân vật thực sự cảm động, nhiều câu chuyện đầy hoãi bão. Tôi rất biết ơn, vì công việc đã cho mình cái “danh phận” để được lắng nghe và lan tỏa những giá trị tích cực này đến những người khác. Được đi, được gặp gỡ và ghi chép, chuyển tải lại những câu chuyện hay là một may mắn và tự hào không phải nghề nào cũng có được.

Tôi và rất nhiều đồng nghiệp khác của mình, từng có những niềm tự hào rất “nghề”. Tự hào vì mình được ở đấy vào thời khắc đó. Ấy là khi chúng tôi nói về những sự kiện, những bước ngoặt quan trọng, thời khắc đó có thể là sự kiện có tầm ảnh hưởng đến phát triển của một địa phương, sự kiện dấu ấn cảu một ngành, hay đơn giản là thành tựu của một cá nhân... Những người làm báo được hiện diện trong từng khoảnh khắc quan trọng, được đứng gần, nhìn rõ chuyển biến của xã hội. Cũng chính từ tâm thế, lợi thế đứng gần, nhìn rõ ấy, những người làm báo Đảng như chúng tôi liên tục được làm mới để bắt nhịp với sự phát triển của xã hội. Chúng tôi thường xuyên được “tiếp lửa”,“nuôi nghề” bằng những cuộc tập huấn, được học hỏi, nâng cao trình độ, được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng, đầu tư trang thiết bị hiện đại để “làm nghề” theo kịp xu hướng của thời đại công nghệ 4.0.

Với sự chủ động trong tác nghiệp, chủ động học tập, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong làm nghề của các phóng viên, tin tưởng rằng Báo Lạng Sơn sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

ĐĂNG THÙY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tu-hao-la-phong-vien-bao-lang-son-5006790.html