Giáo dục trẻ tự kỷ, mỗi giáo viên cần phải là 'ngọn đèn dẫn đường'

Mỗi nhà giáo giáo dục đặc biệt phải trở thành nơi tin cậy, chỗ dựa vững chắc, 'ngọn đèn' dẫn đường cho mỗi bậc phụ huynh.

Mặc dù chỉ có một cánh tay, thế nhưng, suốt 27 năm qua, cô giáo Võ Thị Tuyết luôn tận tâm, cống hiến hết sức mình với nghề giáo dục trẻ đặc biệt nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.

Trải qua nhiều khó khăn để trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ

Được biết, cánh tay của cô Tuyết bị mất trong một lần trúng bom khi nhỏ. Thế nhưng, nhờ sự động viên, khích lệ của gia đình, cô đã luôn cố gắng học tập và tốt nghiệp cử nhân ngành Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về lý do khiến bản thân gắn bó với công việc giáo dục cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ, cô Tuyết bày tỏ, trước đây cô là một giáo viên dạy Văn cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ cô đọc được bài báo viết về Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nơi cô Tuyết công tác trong suốt 27 năm), công việc của cô đã rẽ sang hướng khác. Chính bài báo đó đã “chạm” đến trái tim của cô, thúc giục cô phải đi tìm hiểu trung tâm và công tác giáo dục trẻ đặc biệt này.

Cô giáo Võ Thị Tuyết trong buổi nhận Giải thưởng Võ Trưởng Toàn năm 2023 (Ảnh: NVCC).

Cô Tuyết kể lại, khi đến phòng làm việc của các chuyên gia đang tư vấn cho những đứa trẻ, cô đặc biệt để ý đến một em học sinh bởi dù có rất nhiều đồ chơi xung quanh nhưng tuyệt nhiên em lại không chơi gì cả. Ấy vậy mà khi nhìn thấy cô, em học sinh đó lại cứ xích đến gần và bám lấy cô Tuyết, thể hiện sự yêu thích đặc biệt, thậm chí khi mẹ đến đón cũng không chịu về.

Điều đó đã gây ra sự tò mò trong nữ giáo viên về một đứa trẻ có hành động khác thường như vậy. Sau khi được chuyên gia chia sẻ rằng đó là một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ, chính ngày hôm ấy đã giúp cô Tuyết bén duyên với công việc giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ bởi cô hi vọng bản thân có thể giúp đỡ được đứa trẻ này.

Hơn nữa, cô cũng cho rằng, công việc này sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người, cho cuộc sống và đó vẫn luôn là mong muốn, mục tiêu mà cô đặt ra cho bản thân khi là một nhà giáo.

Tuy nhiên, việc chuyển từ một giáo viên dạy Văn sang làm công tác giáo dục đặc biệt không phải điều dễ dàng. Ban đầu, cô Tuyết cũng nhận phải sự phản đối rất lớn từ phía gia đình nhưng dần dần, sau những nỗ lực thuyết phục, người thân trong gia đình cô đã hiểu và cho phép. Vậy là cô Tuyết đã bắt đầu chuyển đến làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (từ năm 1997 đến nay).

Cô Tuyết cho rằng, mỗi giáo viên làm công tác giáo dục đặc biệt phải làm sao giúp cho trẻ tiến bộ lên mỗi ngày, và để chính các bậc phụ huynh chấp nhận, yêu thương những đứa trẻ không may mắn của mình.

Trên thực tế, để làm một giáo viên dạy trẻ tự kỷ cũng là cả một quá trình đầy khó khăn. Bên cạnh những yếu tố quan trọng như lòng nhân ái, bao dung, biết lắng nghe và thấu hiểu cho phụ huynh, người làm công việc này cũng phải có chuyên môn thật vững và sâu mới có thể làm tốt được.

Các em có thể làm tổn thương về thể chất với các thầy cô giảng dạy mình hoặc thậm chí là tự làm tổn thương chính bản thân. Chính vì thế thầy cô phải hiểu. Đơn cử như nhiều trẻ có hành động tự đập đầu hay tự đánh bản thân,..., đây là điều rất chua xót đối với mỗi phụ huynh và giáo viên đào tạo khi thấy các em có hành động như vậy.

“Những người làm công tác giáo dục đặc biệt như chúng tôi vẫn luôn nói với nhau rằng, dù hành động của trẻ tự kỷ có tiêu cực đến đâu, ẩn sâu bên trong những hành động ấy vẫn có những điểm tích cực. Do đó, chúng tôi phải cố gắng hiểu vì sao các con làm như vậy để đưa ra những phương pháp phù hợp”, cô Tuyết nói.

Vậy nên, cô Tuyết cho rằng, việc trau dồi và rèn luyện, nâng cao kiến thức không ngừng là điều rất quan trọng mà nhà giáo giáo dục đặc biệt phải quan tâm.

Trong suốt nhiều năm qua, cô Tuyết đã phấn đấu rất nhiều cho công việc này và luôn cố gắng vừa học vừa làm để liên tục nâng cao kiến thức chuyên môn cho bản thân.

Tính đến thời điểm hiện tại, cô đã có văn bằng hai đối với ngành giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cô cũng hoàn thành nhiều khóa học, về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập; chương trình "Can thiệp sớm" cho trẻ khuyết tật trí tuệ; khóa học "Tâm lý trị liệu hệ thống gia đình" của Bỉ kết hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; chương trình thực hành "Tâm vận động" do Bỉ tổ chức.

Ngoài việc giáo dục cho trẻ, việc tư vấn cho phụ huynh của các em hiểu cũng rất quan trọng.

Vậy nên, nữ giáo viên luôn cố gắng tìm tòi và cung cấp những tài liệu giúp phụ huynh thấu hiểu hành động đặc biệt của con mình, qua đó tạo sự tin tưởng, đồng hành với nhà chuyên môn giúp cho đứa trẻ tiến bộ, hòa nhập với cộng đồng sớm hơn, công tác giáo dục diễn ra thuận lợi hơn.

Hơn nữa, thay vì cảm thấy vất vả hay áp lực, cô Tuyết luôn nhìn nhận công việc của mình rất có ích và giá trị, chính vì vậy, mỗi ngày đi làm cô đều rất vui, chưa bao giờ cô suy nghĩ đến việc bỏ nghề. Đặc biệt là khi có phụ huynh đến khoe với cô về những thay đổi tích cực của con họ.

Mỗi nhà giáo giáo dục đặc biệt cần phải là “ngọn đèn dẫn đường”

Khi được hỏi trong suốt sự nghiệp có kỷ niệm nào khiến bản thân nhớ nhất, cô Tuyết cười nói, đến nay dù đã có 27 năm công tác với công việc giáo dục trẻ tự kỷ nhưng cô vẫn ghi nhớ tất cả từng hành vi của mỗi đứa trẻ.

Lần gần đây nhất, cô Tuyết đã rất đỗi hạnh phúc khi nhận được cuộc gọi chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ một phụ huynh ở Mỹ. Trong cuộc điện thoại đó, cô được vị phụ huynh này kể về thành tích và những thay đổi của người con cũng chính là cậu học trò trước kia cô từng giảng dạy.

Trong suốt 27 năm công tác, cô Tuyết chưa bao giờ có suy nghĩ muốn từ bỏ công việc của mình (Ảnh: NVCC).

Cô Tuyết kể lại, khi đó, cậu học trò này chỉ có 22 tháng nhưng chính hình ảnh người mẹ khi đưa cậu tới tìm cô với những giọt nước mắt bất lực, không biết phải làm thế nào vì phát hiện con mình bị hội chứng tự kỷ khiến cô khó có thể quên được.

“Tôi vẫn nhớ rõ cậu học trò nhỏ ấy ban đầu không đi, không nói chuyện, không giao tiếp bằng mắt, chỉ chạy và có thường xuyên hành vi đập đầu.

Trong suốt thời gian từ lúc còn nhỏ đến những năm học tiểu học, tôi đã luôn đồng hành với gia đình và nhà trường để hỗ trợ em. Bẵng qua nhiều năm, khi nhận được cuộc gọi của người mẹ và cậu học trò năm nào nay đã có những thay đổi tích cực, tôi đã rất đỗi vui mừng và hạnh phúc”, cô Tuyết xúc động kể lại.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn còn khó khăn trong cách nói chuyện, giao tiếp với người khác, thế em đã không còn những hành vi tự làm đau bản thân nữa và có kết quả học tập cao, nằm trong tốp của lớp và sống trong cộng đồng một cách nghiêm túc, bình an. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc của mỗi nhà giáo làm công tác giáo dục đặc biệt như cô Tuyết.

Trăn trở về thực trạng trong việc giáo dục trẻ tự kỷ hiện nay, cô Tuyết cho biết, có rất nhiều phụ huynh đến chia sẻ với cô về việc không dám đưa con ra ngoài bởi mỗi lần như vậy họ phải đối mặt với rất nhiều cặp mắt xa lánh, sợ hãi từ người xung quanh. Điều này đã khiến họ đau buồn rất nhiều.

Vậy nên, cô Tuyết mong rằng, mỗi nhà giáo giáo dục đặc biệt phải trở thành nơi tin cậy, chỗ dựa vững chắc, “ngọn đèn” dẫn đường cho những bậc phụ huynh.

Làm sao để phụ huynh phát hiện con mình có dấu hiệu lạ, không bình thường sẽ tìm đến những nơi có chức năng chuyên môn để được tham vấn, thay vì việc tự đổ lỗi cho bản thân hay bao bọc con trong vòng tay như cách mà nhiều phụ huynh hiện nay vẫn đang làm.

Bên cạnh đó, để cho công tác giáo dục cho trẻ tự kỷ ngày càng được phát triển hơn nữa, xã hội cộng đồng phải hiểu và thông cảm, chấp nhận cho những đứa trẻ bị mắc hội chứng này. Nó sẽ giúp cho phụ huynh phần nào nhẹ đi sự mặc cảm với xã hội. Cùng với đó, bản thân mỗi gia đình phải yêu thương, tôn trọng chính những đứa con của mình để xã hội phải chấp nhận sự “đa dạng” và khác biệt của chúng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ngành giáo dục cần phải chú tâm hơn nữa đến việc giáo dục cho trẻ tự kỷ để giúp các em có cơ hội hòa nhập với các trẻ bình thường khác.

Hiện tại, dù đã nghỉ hưu từ ngày 31/12/2023, nhưng 3 tháng nay nhưng cô Tuyết gần như không có ngày nào được “ngơi” công việc của mình. Hàng ngày, cô vẫn tiếp tục công việc tư vấn, định hướng giáo dục cho phụ huynh của những trẻ mắc hội chứng tự kỷ và chia sẻ kinh nghiệm cho các giáo viên trẻ. Không những vậy, cô vẫn còn gắn kết với nhiều trường chuyên biệt ở nhiều địa phương để giúp đỡ cho công tác giáo dục trẻ tự kỷ.

Trong những năm qua, cô Tuyết đã dành được nhiều giải thưởng cho sự cống hiến, tận tâm của mình. Trong đó, gần đây nhất, cô là 1 trong 50 nhà giáo tiêu biểu được nhận giải thưởng thường niên của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh - Giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng nhằm tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cống hiến. Được biết, mỗi cá nhân chỉ được trao tặng giải thưởng này một lần trong quá trình công tác của mình.

Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/62/139 lấy ngày 2/4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2008) là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của những người mắc phải hội chứng này.

Khánh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-tre-tu-ky-moi-giao-vien-can-phai-la-ngon-den-dan-duong-post241841.gd