Vọng khúc khải hoàn ca

Tháng Tư, mỗi người dân Việt Nam đều hân hoan, dâng trào niềm vui, niềm tự hào khi nhớ về đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là chiến thắng chung của cả nước và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đây là kết quả của chặng đường dài chiến đấu gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, phát huy cao độ nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam luôn khao khát được sống trong hòa bình, độc lập, tự do của đất nước. Song, để đất nước được hòa bình, độc lập, tự do, dân tộc ta phải trải qua cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt và chịu nhiều mất mát, đau thương. Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 500 nghìn tên, gồm quân Mỹ và quân của các nước chư hầu của Mỹ làm nòng cốt cho hơn một triệu quân ngụy. Riêng quân đội Mỹ huy động lúc cao nhất gồm bộ binh, lính thủy đánh bộ, lực lượng không quân chiến thuật, lực lượng không quân chiến lược. Chúng còn lợi dụng những phát minh khoa học kỹ thuật mới nhất để gây ra vô vàn tội ác đối với nhân dân ta; dội hơn 7,8 triệu tấn bom đạn xuống Việt Nam, so với chiến tranh thế giới thứ 2 gấp 3 lần số bom sử dụng; rải khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học dioxin xuống miền Nam Việt Nam... Đến nay vẫn còn hàng vạn người dân Việt Nam bị di chứng của chất độc hóa học dioxin do quân đội Mỹ rải trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cựu chiến binh Đỗ Nhật Chính (trái) chia sẻ những kỷ niệm cùng đồng đội.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta (1954 - 1975) là cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt, gian khổ, nhiều thách thức và trải qua nhiều giai đoạn với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ: “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1968), “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973). Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân tiến hành 3 chiến dịch lớn. Từ điều kiện thuận lợi chiến thắng của “Chiến dịch Tây Nguyên”, “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng”, vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng mở đầu “Chiến dịch Hồ Chí Minh” - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Năm cánh quân của ta vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đến 11h30’ ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất.

Thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất anh dũng, kiên cường của quân và dân ta, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi mang ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc, là trang sử hào hùng, thiên anh hùng ca bất hủ, tuyệt đẹp của dân tộc Việt Nam trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước.

Những cựu chiến binh tỏa sáng giữa đời thường

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, khởi sắc, nâng cao vị thế trên trường quốc tế nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi sự kiên định tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt những cựu chiến binh được tôi luyện trong quân ngũ, vững vàng về ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, thách thức, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng quê hương. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trên các tuyến phố, chúng tôi có dịp được trò chuyện với những chiến sĩ năm xưa.

Cựu chiến binh Đỗ Nhật Chính (sinh năm 1955), sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Cao Bằng. Năm 1971, khi mới hơn 16 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, đến tháng 11/1972 tham gia chiến trường miền Nam, tại Quân đoàn 3 với vai trò là y tá. Trong cao điểm chiến dịch, sự khốc liệt của chiến tranh, hằng ngày đối diện với bom đạn và gian khổ trường kỳ của đói, của những trận sốt rét kéo dài triền miên khiến cho cả đội quân xanh xao, vàng vọt, những tổn thất, mất mát sau mỗi trận chiến... đã tôi luyện nên bản lĩnh người Bộ đội Cụ Hồ vững vàng, “bền gan, dày trí”, luôn vững vàng vượt qua mọi gian khó. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông được cử đi học văn hóa tại Dục Mỹ, Nha Trang, đến năm 1978 học tại Học viện Hậu cần, năm 1981 được giữ lại làm giảng viên của học viện. Ông tham gia hai đợt tình nguyện của Bộ Quốc phòng sang Campuchia dạy học, chia sẻ những kiến thức quân sự… Đến năm 1995, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, năm 2023 nghỉ chế độ hưu trí tại quê nhà.

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, với những kiến thức đã được học, trở về địa phương ông tiếp tục nghĩ cách làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương. Được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội và nỗ lực của bản thân, ông mở doanh nghiệp chuyên bảo dưỡng các cột thu phát sóng. Hiện, doanh nghiệp đang quản lý 53 cột thu phát sóng trên địa bàn, tạo việc làm cho trên 50 lao động địa phương, hằng năm nộp ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng, ngoài ra ông tham gia tích cực công tác xã hội, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân cùng phát triển.

Vượt qua cung đường gập ghềnh bùn, đất, sỏi đá, chúng tôi đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Nguyên, tổ 1, phường Duyệt Trung (Thành phố). 11 ha đất rừng được ông mở mang khai phá suốt hơn 20 năm qua giờ đem lại thành quả cho gia đình và địa phương.

Trở về hồi ức, ông bồi hồi nhớ lại, năm 1973, tham gia chiến trường, biên chế tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 456, Sư đoàn 470, thuộc Quân đoàn 559. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, trận đánh đầu tiên tại Buôn Ma Thuột, ông cùng đồng đội bắn rơi 4 máy bay địch, đó là những ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời ông với những đồng đội đã làm nên lịch sử. Năm 1976, ông trở về địa phương lao động sản xuất. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, một lần nữa người chiến sĩ tái ngũ tiếp tục cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1980, ông công tác tại Phòng lương thực huyện Nguyên Bình, đến năm 1986 nghỉ chế độ 176.

Ông Nguyễn Văn Nguyên (giữa) giới thiệu mô hình phát triển kinh tế của gia đình.

Cuộc sống sau chiến tranh với vô vàn khó khăn, phát huy phẩm chất người chiến sĩ cách mạng, ông tự khai phá đất đai, sau nhiều lần thử nghiệm trên mảnh đất quê nhà, giờ đây căn nhà gỗ khang trang, xung quanh xum xuê cây trái, vườn chuồng giúp gia đình ổn định cuộc sống, đồng thời giúp cho bà con xung quanh vùng, những đồng đội về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương.

Cùng ông đi tham quan khu vườn trồng 120 gốc vải thiều, 60 cây trám đen, mít dai và các loại cây ăn quả… phía giáp bờ sông là khu vực trồng tre, nứa giữ đất đồng thời cũng là nguồn thu mỗi năm khoảng 2 tấn măng các loại. Khu vực chuồng trại được đầu tư xây dựng quy mô với 60 con con dê vừa xuất bán, năm nay ông tiếp tục đầu tư nuôi bò, khởi nguồn từ con bò hỗ trợ của địa phương. Với sự nỗ lực của bản thân và gia đình, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Giờ đây, những mái đầu đã bạc trắng, nhưng ánh mắt những cựu chiến binh vẫn lấp lánh niềm tin, ông Đỗ Nhật Chính cho biết: Chúng tôi luôn nhớ những ký ức của thời kỳ khốc liệt đó, trong khó khăn gian khổ nhưng luôn ấm tình đồng chí, đồng đội, chúng tôi chia sẻ phần ăn ít ỏi, chia sẻ liều thuốc “phòng 2, phòng 3” cho nhau… Những ký ức đó làm động lực cho chúng tôi tiếp tục nỗ lực cùng nhân dân xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hôm nay.

49 năm trôi qua, đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ngày 30/4/1975 in dấu ấn sâu đậm, ngời sáng, là nguồn cổ vũ cả dân tộc và nhân dân ta tiếp tục đoàn kết, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Hồng Chuyên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/vong-khuc-khai-hoan-ca-3168851.html