Giành 3 học bổng thạc sĩ châu Âu sau 2 năm đi làm

Từng lỡ cơ hội du học Hàn Quốc và quyết định đi làm, sau 2 năm, Lê Minh Hoàng liên tiếp nhận tin vui khi trúng tuyển 3 học bổng thạc sĩ tại châu Âu.

Lê Minh Hoàng từng là Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Tháng 12/2023, Lê Minh Hoàng (26 tuổi) kết thúc kỳ học đầu tiên ở Phần Lan và chuyển tiếp sang Bỉ để tiếp tục hành trình học thạc sĩ tại châu Âu.

Năm ngoái, Hoàng là một trong số ít thí sinh trúng tuyển chương trình thạc sĩ về ảnh hưởng của bức xạ lên công nghệ vi điện tử và quang tử, được tài trợ bởi quỹ học bổng Erasmus Mundus (EM) của Liên minh Châu Âu.

Ngoài ra, chàng trai quê Vũng Tàu còn giành 2 học bổng toàn phần khác là IDEX từ Đại học Paris-Saclay (Pháp) và học bổng Đại sứ quán Pháp France Excellence.

“Sau hơn 2 năm đi làm ở lĩnh vực bán dẫn, mình đã quyết định nghỉ việc, quay lại con đường học tập. Vượt ngoài sức tưởng tượng, mình đã trúng tuyển 4 chương trình thạc sĩ với 3 học bổng toàn phần", Minh Hoàng cho hay anh đã từ chối một chương trình khác của Erasmus Mundus trước khi họ đưa ra mức hỗ trợ tài chính.

Không đánh giá cao sự vội vàng

Năm 2020 , Hoàng hoàn thành khóa luận tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông thuộc Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Nam sinh đã chuẩn bị hồ sơ du học và nộp vào một viện nghiên cứu tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ngăn cản kế hoạch này. Hoàng quyết định ở lại Việt Nam, dự kiến đi làm một thời gian rồi tiếp tục theo đuổi mục tiêu du học.

“Thời điểm đó, nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn ở Việt Nam đang lên cao. Mình có cơ hội làm việc trong lĩnh vực này dù trái ngành so với chuyên môn được đào tạo ở đại học. Nhưng cuối cùng, đây lại là con đường mà mình quyết định sẽ theo đuổi lâu dài", Hoàng chia sẻ.

Do làm trái ngành, không được đào tạo bài bản ở bậc đại học, Hoàng gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Thay vì áp dụng lý thuyết vào thực tế, anh cho hay bản thân phải thử và sai nhiều lần mới hiểu ra vấn đề và tìm ra cách làm đúng.

Cách làm này giúp Hoàng học được kiến thức thực tế ngay tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận bản thân dễ sa đà vào chủ nghĩa kinh nghiệm.

“Nghĩa là khi làm nhiều lần một việc và thấy đúng, bạn sẽ luôn nghĩ nó đúng trong mọi trường hợp, nhưng về mặt lý thuyết, đôi khi bạn đang hiểu sai . Mình luôn cảm thấy thiếu kiến thức đủ sâu để giải thích các vấn đề", Hoàng nói.

Bên cạnh đó, Hoàng nhận định các công ty bán dẫn thường chỉ tập trung vào một tuyến sản phẩm, nếu cứ làm ở đó, anh sẽ không có cơ hội học thêm kiến thức ở những dòng sản phẩm khác.

Nhận thấy vấn đề từ sớm nhưng phải đến hơn một năm sau, Hoàng mới quyết định làm hồ sơ du học thạc sĩ do nhận thấy kiến thức thực tế chưa đủ vững. Bản thân anh không đánh giá cao sự vội vàng, nhất là trong việc học.

Do vậy, đợi đến khi có nền tảng tốt nhất về kinh nghiệm thực tế, anh mới chuyển hướng đi học cao hơn. Bên cạnh đó, việc đi làm trước cũng giúp anh có thời gian chuẩn bị tài chính cho quá trình du học.

“Mình không quá phân vân hay tiếc nuối giữa việc đi học và đi làm dù lúc đó, công việc của mình được đánh giá là tốt, mức đãi ngộ tương đối cao so với thị trường. Đơn giản, nếu đi học, mình sẽ có nhiều cơ hội hơn, được tiếp cận những cái mới, những thứ mình không thể học được ở doanh nghiệp”, Hoàng chia sẻ.

Thời điểm nộp hồ sơ, Hoàng có thế mạnh về nghiên cứu khoa học và từng có bài đăng trên tạp chí quốc tế. Ảnh: NVCC.

Vừa đi làm, vừa chuẩn bị hồ sơ

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Hoàng cho biết anh không tiếp tục lựa chọn du học Hàn Quốc bởi các đơn vị đã thay đổi một số yêu cầu chuyên môn và không còn phù hợp với định hướng cá nhân. Lúc này, anh quan tâm đến một số chương trình thạc sĩ tại châu Âu và quyết định ứng tuyển vào 4 chương trình học bổng.

Hoàng cho hay anh có 8 tháng để chuẩn bị hồ sơ du học, nhưng song song với đó là đi làm toàn thời gian. Công việc của Hoàng đòi hỏi nỗ lực và tập trung cao, thời gian làm việc đều trên 8 giờ/ngày.

Cuối ngày, rời công ty cũng là lúc Hoàng dành toàn bộ thời gian và công sức cho việc học, thi lại chứng chỉ tiếng Anh, chuẩn bị 4 thư động lực và xin thư giới thiệu từ giảng viên và cấp trên.

“Mình căng thẳng trong thời gian dài. Đôi khi, mình cũng suy nghĩ liệu công sức mình bỏ ra có đáng hay không, lỡ không trúng tuyển thì sao? Nhưng nếu không thử, mình sẽ không thể biết được", nam sinh lấy lại tinh thần.

Hoàng đánh giá không chỉ Erasmus Mundus mà các học bổng có tính học thuật khác rất quan tâm vào kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu của ứng viên trong một phân ngành hẹp của một lĩnh vực lớn. Vì vậy, các ứng viên phải có thành tích tốt và chuẩn bị trong thời gian dài.

“Ứng viên cần xác định hướng nghiên cứu, làm việc trong ngành ngay từ bậc đại học để có thể làm các nghiên cứu khoa học phù hợp với hướng nghiên cứu hẹp đó, tránh bị động. Đối với trường hợp muốn chuyển đổi hướng nghiên cứu hoặc điểm đại học không quá cao, các bạn có thể dùng thời gian đi làm để bù đắp cho thiếu sót này”, Hoàng chia sẻ.

Thời điểm nộp hồ sơ, Hoàng có thế mạnh về nghiên cứu khoa học và từng có bài đăng trên tạp chí quốc tế. Ngoài ra, anh đã có kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực này. Đây là điểm cộng rất lớn trong bộ hồ sơ xin học bổng.

Thư động lực cũng là yếu tố được Hoàng chú tâm bởi đây là nơi trình bày thế mạnh của bản thân. Các học bổng châu Âu thường thích phong cách đi thẳng vấn đề và trả lời câu hỏi họ quan tâm.

Do vậy, Hoàng tập trung trình bày lý do, động lực theo đuổi ngành học, mối liên hệ giữa công việc hiện tại và mục tiêu theo đuổi, định hướng sau khi hoàn thành chương trình học.

Gặp khó khi học trái ngành

Từ tháng 3/2023, Hoàng liên tiếp đón tin vui khi nhận 3 học bổng từ quỹ Erasmus Mundus (49.000 euro/2 năm học), Initiative d'excellence (IDEX) từ Đại học Paris-Saclay (11.000 euro/năm học) và học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp (10.000 euro/năm học).

“Mình mừng vì công sức bỏ ra suốt 8 tháng đã có thành quả. Ban đầu, mình chỉ kỳ vọng trúng tuyển một chương trình nhưng không ngờ tin vui đến dồn dập như vậy", Hoàng chia sẻ.

Hoàng cũng thừa nhận do học trái ngành, anh gặp nhiều khó khăn hơn. Ảnh: NVCC.

Với chương trình thạc sĩ về ảnh hưởng của bức xạ lên công nghệ vi điện tử và quang tử được tài trợ bởi quỹ học bổng Erasmus Mundus, Hoàng sẽ tham gia học tập tại 3 trường đại học ở 3 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Đại học Jyvaskyla - Phần Lan, Đại học KU Leuven - Bỉ và Đại học Montpellier - Pháp.

Ở kỳ cuối cùng, Hoàng có thể tùy ý lựa chọn một nước thứ tư ở châu Âu để làm luận văn.

Tháng 8/2023, Hoàng bay tới Phần Lan để tham gia kỳ học đầu tiên. Anh cho hay việc học không hề dễ dàng bởi quay lại guồng học tập sau hơn 2 năm tạm dừng. Bên cạnh đó, khối kiến thức nặng và nhiều, tối thiểu 7 môn/học kỳ và mỗi môn chỉ học trong khoảng 7-8 tuần.

Hoàng cũng thừa nhận do học trái ngành, anh gặp nhiều khó khăn hơn. Về kiến thức, ở bậc đại học, anh được đào tạo chủ yếu về viễn thông, khác với vật lý bán dẫn ở bậc thạc sĩ - đào tạo nhiều kiến thức liên quan đến Vật lý.

“Giảng viên cũng đặt ra yêu cầu cao với sinh viên, bao gồm khả năng phân tích, mô hình hóa các hiện tượng vật lý có tính trừu tượng… Để có thể làm bài tập và thi qua môn, sinh viên phải có khả năng tự học cao, thường xuyên thảo luận với các bạn cùng lớp. Nếu chỉ lên lớp nghe giảng và về, bạn sẽ không thể theo kịp chương trình", Hoàng chia sẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/gianh-3-hoc-bong-thac-si-chau-au-sau-2-nam-di-lam-post1458860.html