Giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Hiện tỉnh Long An thực hiện 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG): Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và giảm nghèo bền vững (GNBV). Hai chương trình này đang bổ sung, trợ lực cho nhau, góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ (bên phải, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Năm 2014, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đạt danh hiệu này đã khó nhưng giữ vững và nâng chất các tiêu chí (TC) để tiến đến hoàn thành bộ TC xây dựng xã NTM nâng cao càng khó khăn gấp bội.

Xác định được vấn đề này, xã đưa ra nhiều giải pháp nâng chất từng TC, trong đó, chú trọng đến các mô hình phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần hoàn thành TC số 11 về nghèo đa chiều, TC số 12 về lao động qua đào tạo. Đến nay, hộ nghèo theo đa chiều của xã còn 2,28%, thu nhập bình quân đầu người trên 73 triệu đồng/năm, góp phần giúp địa phương "về đích" xã NTM nâng cao.

Đây được xem là một trong những điểm nổi bật trong hành trình XDNTM nâng cao của xã Bình Thạnh. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Võ Thanh Quân chia sẻ: “Người dân trong xã có 30% sống bằng nghề nông; 40% làm công nhân, tiểu thủ công nghiệp; số còn lại thu nhập từ thương mại - dịch vụ. Theo đó, xã tạo điều kiện cho từng nhóm đối tượng phát triển kinh tế. Cụ thể, người dân sống bằng nghề nông, xã phối hợp các ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng mã số vùng trồng,... Còn đối với người dân làm công nhân, xã giới thiệu việc làm trong các công ty, xí nghiệp. Riêng người dân có thu nhập từ thương mại - dịch vụ, xã tạo điều kiện vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư kinh doanh, mua bán,...”.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Kỳ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) có 2,5ha lúa. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng, phù hợp với thị trường nên năng suất lúa cao, chi phí sản xuất giảm. Vụ Hè Thu 2023, gia đình ông có lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha.

Ông Kỳ bộc bạch: “XDNTM, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là về thu nhập. Nhìn thấy đời sống không ngừng nâng lên, người dân rất phấn khởi”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn thông tin: “Thực hiện CTMTQG về XDNTM, huyện luôn chú trọng đến công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, huyện có 7 hộ nghèo thoát nghèo, 4 hộ cận nghèo thoát hộ cận nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của xã còn 0,95%, hộ cận nghèo còn 1,75%. Đến nay, huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm xã Long Thạnh đạt chuẩn NTM, xã Bình Thạnh đạt chuẩn NTM nâng cao”.

Đồng hành, tương trợ lẫn nhau

Mục đích, ý nghĩa của CTMTQG về XDNTM và CTMTQG về GNBV là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, tránh tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo. Xác định được ý nghĩa này, các địa phương luôn thực hiện lồng ghép 2 chương trình vào nhau.

Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 121/161 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 75,2%), trong đó, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 52,6% kế hoạch giai đoạn 2021-2025), 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An) đạt 40% kế hoạch Trung ương giao trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến cuối năm 2023, tỉnh có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thị Lụa cho biết: “Năm 2020, thị xã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Từ nguồn vốn CTMTQG về XDNTM và GNBV giúp địa phương phát triển về mọi mặt. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân không ngừng nâng lên, nhất là chất lượng cuộc sống của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, thị xã còn 155 hộ nghèo (chiếm 1,11%), 592 hộ cận nghèo (chiếm 4,23%); lao động qua đào tạo đạt 75,44%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 36,88%”.

Thực hiện Bộ TC về XDNTM, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách 3 TC, gồm TC số 11 nghèo đa chiều, TC số 12 về lao động và chỉ tiêu số 18.5 về “Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn (nếu có), bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội".

Theo đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai các chương trình, mô hình GNBV với mục tiêu giúp người nghèo tiếp cận các chương trình về hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm, dạy nghề nông thôn, vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, ngành còn huy động các nguồn lực tặng quà, xây nhà tình thương cho người nghèo nhằm chia sẻ một phần khó khăn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 2020, thị xã Kiến Tường hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Trong ảnh: Một góc thị xã Kiến Tường nhìn từ trên cao)

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt khẳng định: “CTMTQG về XDNTM giúp ngành thực hiện tốt CTMTQG về GNBV. Khi 2 chương trình này cùng triển khai sẽ có sự hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau rất hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương. Kết quả, đến cuối tháng 6/2023, hộ nghèo của tỉnh còn 0,97%, hộ cận nghèo còn 2,24%. Dự kiến, đến cuối năm 2025, hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,65%”.

Sau thời gian thực hiện CTMTQG về XDNTM gắn với GNBV, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả lĩnh vực. Và điều tự hào nhất là 2 chương trình này góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, xây dựng được những vùng quê đáng sống./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giam-ngheo-ben-vung-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-a163739.html