Giai thoại câu đối Tết: bớt đôi chữ làm nữ góa phụ hiểu lầm ý ông đồ

Ông chủ mành làm ăn trúng mánh nhưng không kịp về quê, đành đón Tết tha hương. Ông đi tìm 'dăm ba chữ' ở chỗ các thầy đồ nhưng thấy không câu đối nào hợp với tình cảnh của mình...

Những tài liệu hùng hồn xác thực để chứng minh ai là tác giả một câu đối Tết tuyệt diệu ngày xưa.

Theo lệ thường niên gần cuối tháng Chạp, thành thị cũng như thôn quê, đâu cũng xôn xao sắm Tết, ngoài món nêu cao pháo điện, giò chả bánh chưng, người ta vẫn không quên được món câu đối đỏ. Các nhà yêu văn mỗi khi nhắc đến chuyện câu đối đỏ thì cũng không quên nhắc đến câu đối của cụ Nghè Chu viết cho người chủ mành Nghệ trước đây già nửa thế kỷ mà ai cũng phải ca tụng là câu độc đáo, chẳng những từ đấy về trước, mà cả từ đấy về sau, chẳng còn câu nào có thể sánh kịp!

Thế mà lạ thay! Không hiểu căn cứ vào đâu? Hay bởi những tay hiếu sự lập dị? Lại bảo vế trên là của cụ Nghè; còn vế dưới kia cụ không tìm được chữ đối, phải nhờ cụ Cử hay cụ đồ nào đối giúp.

Câu truyền ngôn trên theo ý riêng tôi thì nó đã làm thương tổn văn danh của bậc thi hào quá cố, nếu nó là câu thất thiệt chẳng cũng ân hận lắm sao? Vì thế chúng tôi vẫn phải cố công tìm kiếm cho ra sự thực.

Tranh Ông đồ của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

May sao trước đây độ hai chục năm, khi còn ở ngoài đất Bắc, chúng tôi thường hay qua lại bến đò Hưng Yên, có được quen biết một cụ đồ già ở ngay chợ Gò thuộc huyện Kim Động; thấy cụ nhớ nhiều chuyện cũ, tôi bèn hỏi rõ nguyên ủy về câu đối ấy có đúng như lời đồn lại rằng do cụ Nghè và mấy cụ nữa hợp sức mới làm nên được hay không.

Hỏi xong thấy cụ tỏ ý bất mãn, phủ nhận những lời truyền ngôn, rồi cụ thuật lại một cách rất tỉ mỉ như sau:

Cụ nói vào khoảng cuối năm Nhâm Dần (1902) hay là Quý Mão (1903) gì đó, lâu ngày tôi không nhớ rõ. Chỉ nhớ được rằng lúc ấy quan Nghè Chu Mạnh Trinh đương làm Án sát Hưng Yên, mà cụ là học trò quan Nghè, lúc nào cũng ở bên cạnh. Năm ấy có một ông chủ mành Nghệ chở hàng ra Bắc bán xong, vào khoảng 20 tháng Chạp định trở về quê ăn Tết, vì không thuận gió, đành phải đỗ lại ở bến Hưng Yên, cùng mấy chục thuyền mành chúng bạn, bỏ neo xếp hàng chữ nhất một quãng khá dài, thuyền nào cũng đã cắm một cây nêu cao ngất, từ hôm 27-28 đã nghe tiếng pháo nổ giòn, khiến cho quang cảnh bến đò trở nên tưng bừng náo nhiệt khác hẳn cái Tết mọi năm.

Nên lúc bấy giờ người ta đã gọi nó là một cái Tết nổi của phố Hiến, mà trong đám Tết nổi đó thì người đáng kể nhất là cái tánh cầu kỳ của ông chủ thuyền mành nọ.

Bởi vì năm ấy hàng bán hết, thu được lợi nhiều, ông định ăn Tết lớn hơn chúng bạn hàng mành, các món khai vị đã mua ở trên Hà Nội cả rồi, nay phải đỗ lại Hưng Yên thì ngày 28 gặp phiên chợ Tết, ông lại lên phố xem có thứ gì hay hay. Sau khi dạo khắp phố phường, nhận thấy nhà nào cũng dán câu đối đỏ rực. Nghĩ mình dầu theo nghề nghiệp thương mại, nhưng mà cũng mạch thư hương, nay gặp tiết Xuân, lẽ nào chẳng có lấy dăm ba chữ...

Nghĩ thế ông bèn rẽ sang chỗ viết câu đối bán Tết, thấy mấy ông đồ đương lúi húi viết; chữ Hán thì câu “Niên niên tăng phú quý”, đối với: “Nhật nhật hưởng vinh hoa”. Chữ Nôm thì câu “Oanh ca yến múa mừng xuân trẻ”, đối với “Nước thịnh dân giàu hưởng phước chung”. Đại để câu nào cũng tả màu xuân sặc sỡ, không hợp tình cảnh cái Tết tha nhân của mình.

Riêng có một câu “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng”, đối với “Xuân mãn càn khôn phước mãn”. Câu này sự thực nó là câu cũ, nhưng sao mỗi vế lại cắt cụt đi một chữ dưới đuôi (câu trên cắt mất một chữ Thọ, câu dưới cắt mất chữ Đường)? Thấy khách chú ý câu đó, ông đồ mỉm cười một cách hóm hỉnh cho biết: chính câu đối này đã đưa ông đến trước tụng đình suýt nữa bị nguy.

Nguyên sáng hôm qua có một thiếu phụ góa chồng giàu có vào hạng thứ nhất thứ nhì trong hạt, đến mua câu đối dán Tết. Tôi bèn dùng ngay câu cũ, rồi theo cách thức của Yên Sơn ngoại Sử thường cắt bớt đi chữ cuối để cho câu văn được kêu và thêm già dặn.

Chẳng ngờ khi bà đem về treo ở ngoài cửa thì có kẻ nào độc miệng cắt nghĩa xuyên tạc ra rằng: Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng: Trời tăng năm tháng người thêm; Xuân mãn càn khôn phúc mãn: Xuân khắp non sông bụng phổng [1]. Đó chữ phúc nghĩa là phúc lộc mà họ xuyên tạc ngay ra chữ phúc là bụng phổng tức là có bầu, chửa hoang, rồi họ buộc cho nhà nho đã nói xúc phạm đến phần tiết trinh của người quả phụ, khiến cho bà ấy nổi trận tam bành, mượn họ làm đơn đi kiện. May nhờ quan Án tức là quan Nghè Chu Mạnh Trinh rất mực công bằng, quở trách bà ấy không được nghe xằng kiện bậy, và bắt bà ấy bồi thường danh dự cho nhà nho một quan tiền kẽm đây này.

[1] Nguyên văn câu đối là Thiên tăng tuếnguyệt nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm tuổi mới người thêm thọ/ Xuân khắp càn khôn phúc khắp nhà). Ở đây bà nhà giàu bị kẻ độc miệng xuyên tạc chữ “phúc” (nghĩa là sự tốt lành) thành chữ phúc (nghĩa là bụng) vì 2 chữ đồng âm nhưng khác nghĩa.

Ông đồ kể qua câu chuyện rồi mời chủ thuyền mua giúp vài câu. Nhưng ông chủ thuyền không thấy câu nào hợp với tình cảnh của mình nên vẫn do dự...

Tô Nam Nguyễn Đình Diệm/Thái Hà Books/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-thoai-cau-doi-tet-bot-doi-chu-lam-nu-goa-phu-hieu-lam-y-ong-do-post1458737.html