Giải pháp nào bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, cụm làng nghề?

Công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, cụm làng nghề từ lâu đã được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nơi vẫn xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

Hàng cây xanh bị chết khô vì nằm cạnh bãi rác thải trong CCN Lai Xá. Ảnh: Quý Nguyễn

Mối lo ô nhiễm

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, con đường nhỏ nối từ QL32 vào Cụm công nghiệp Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đoạn cuối con đường qua Trường Đại học Thành Đô thường xuyên bốc lên một mùi hôi nồng vô cùng khó chịu. Càng về cuối con đường, mùi hôi càng đậm đặc. Rác thải vương vãi khắp nơi. Ngay sát lề đường, một hàng cây xanh đã cháy hết lá vì không chịu được sự tàn phá của rác thải.

Tiếp tục mở rộng phạm vi khảo sát, con đường bao phía cuối khu công nghiệp, nơi giáp ranh với khu đất ruộng trồng rau là một mương nước đen kịt, rác thải tràn ngập. Dòng mương nước này gầy như bị ứ đọng, không có lối thoát. Theo thời gian, nước thải từ con mương sẽ thẩm thấu sâu vào đất, mối nguy về tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ càng lớn hơn.

Đáng nói, Cụm công nghiệp Lai Xá chỉ là một trong rất nhiều cụm công nghiệp, cụm làng nghề ở Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ nhiều nguồn rác thải khác nhau.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch 1.686 ha cùng rất nhiều cụm làng nghề tại hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Sự xuất hiện của các CCN, cụm làng nghề giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của TP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, khai thác hiệu quả tiềm năng về nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, chính những CCN, cụm làng nghề lại mang lại mối lo lớn về ô nhiễm môi trường.

Nhắc đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN tại Hà Nội trong những năm gần đây, ắt hẳn một trong số những cái tên được nhắc đến nhiều nhất là cụm làng nghề Dương Liễu với làng nghề chế biến nông sản xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Với lịch sử lâu đời, nghề này mang lại thu nhập cao nhưng người dân địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề.

Thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây chính là chất thải hữu cơ phát sinh trong quá trình chế biến nông sản, mà cụ thể là miến dong, mì gạo, tinh bột sắn. Nước thải từ việc ngâm ủ bã sắn chua trong thời gian dài làm cho hầu hết hệ thống kênh rạch tại làng nghề này luôn đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu. Thậm chí, từng có thời điểm làng nghề Dương Liễu trở thành từ khóa tìm kiếm khắp cõi mạng khi xuất hiện những dòng kênh bốc cháy. Đó là thời điểm mùa Hè, nhiệt độ cao, nước trong các dòng kênh ô nhiễm nơi đây bị bốc hơi khiến nồng độ chất thải hữu cơ trở nên đậm đặc, sinh ra khí ga nên có thể dễ dàng bốc cháy khi bắt lửa.

Trước nguy cơ ô nhiễm từ cụm làng nghề Dương Liễu, TP Hà Nội đã triển khai và vận hành một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn, trong đó có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, với nhiệm vụ xử lý nước thải cho cụm làng nghề tạiDương Liễu. Nhà máy được xây dựng với công suất 20.000m3/ngày, đêm đã hoàn thành, quản lý vận hành từ tháng 10/2016. Tuy nhiên, do khó khăn về vị trí địa lý mà hiện vẫn còn một số thôn ngoài đê của xã Dương Liễu chưa thể sử dụng dịch vụ của nhà máy này.

Cơ chế giám sát chưa phát huy hiệu quả?

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN, cụm làng nghề đang ngày một nóng. Trong thời gian qua, rất nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, mọi giải pháp đưa ra đều chưa thể phát huy hết hiệu quả vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Các chuyên gia môi trường cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN, cụm làng nghề vẫn còn dai dẳng là do cơ chế giám sát chưa phát huy được hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã quy định rất về việc xây dựng hạ tầng môi trường phải bao gồm có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải, các công trình và thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và bảo đảm diện tích cây xanh.

“Tất cả các DN, cơ sở sản xuất tại CCN, cụm làng nghề đều phải tuân thủ những quy định này. Trước khi được phép hoạt động thì phải bảo đảm các điều kiện bảo bệ môi trường được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là hiện nay vẫn còn một số cơ sở sản xuất, CCN, cụm làng nghề không tuân thủ những quy định đó, họ thải trộm ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng ” - TSKH Đặng Huy Huỳnh nhận định và cho rằng, hành lang pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được xây dựng tương đối đầy đủ.

Trong những năm gần đây đang ngày một hoàn thiện để sát với thực tế đời sống. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường các CCN, cụm làng nghề nói riêng cũng nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước, Chính phủ. Bằng chứng là rất nhiều chính sách, chương trình lớn nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường đã được xây dựng, triển khai trong những năm trở lại đây.

“TP Hà Nội đang phát triển theo hướng trở thành TP thông minh, TP xanh - sạch - đẹp. Bởi vậy trong những năm qua, UBND TP luôn rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường các CCN, cụm làng nghề” - TSKH Đặng Huy Huỳnh nói và nhận định, dù đã có hành lang pháp lý, có chủ trương chính sách bảo vệ môi trường CCN, cụm làng nghề nhưng cơ chế giám sát chưa thực sự hiệu quả đang là rào cản lớn khiến công tác bảo vệ môi trường CCN, cụm làng nghề của Thủ đô chưa thật sự hiệu quả.

Do đó, chuyên gia môi trường kiến nghị 2 giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường CCN, cụm làng nghề ở Hà Nội. Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các chủ DN, cơ sở sản xuất và cả người dân. Làm thế nào để mọi người đều hiểu rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác giảm sát cũng như xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cần hoạt động hiệu quả hơn, quyết liệt hơn.

“Đặc biệt, cần phát huy vai trò giám sát của quần chúng Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Cần trao cho các tổ chức đoàn thể ở địa phương như Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… quyền được giám sát, được nêu ý kiến, báo cáo lên các cơ quan chức năng để có giải pháp ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường ngay từ khi nó chưa kịp xảy ra hoặc mới xảy ra. Đó mới là cách làm phát huy hiệu quả cao nhất."
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam,
TSKH Đặng Huy Huỳnh

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-nao-bao-ve-moi-truong-cum-cong-nghiep-cum-lang-nghe.html