Gia Lai tìm giải pháp chống hạn cho cây trồng

Chiều 17-4, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng-chống hạn, thiếu nước và đề xuất các phương án xả nước về hạ du của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Quang cảnh cuộc họp triển khai công tác phòng-chống hạn, thiếu nước và đề xuất các phương án xả nước về hạ du của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Ảnh: Lê Nam

Cây trồng khô khát

Tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Nguyễn Chúc cho biết: Từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đợt nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất đến nay đo được tại trạm Ayun Pa là 390C vào ngày 8-4. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 275,8 ha cây trồng bị hạn, ước giá trị thiệt hại khoảng 7,26 tỷ đồng. Cụ thể: 94,8 ha cây trồng thiệt hại trên 70% (79,4 ha lúa, 4 ha mía, 3,4 ha khoai môn, 3,5 ha bắp, 1,1 ha khoai lang, 0,9 ha đậu đen, 2,5 ha bí đỏ); hơn 114,8 ha thiệt hại 50-70% (96,7 ha lúa, 1,5 ha khoai môn, 5,5 ha bắp, 5 ha khoai lang, 0,2 ha ớt, 6 ha cà phê); 31,3 ha thiệt hại 30-50% (28 ha lúa, 1,9 ha khoai lang, 1,4 ha cà phê); 34,9 ha lúa thiệt hại dưới 30%. Ngoài ra, tại thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) có 3 công trình giếng khoan bị cạn đã xảy ra thiếu nước sinh hoạt của người dân.

Lòng hồ Bầu Nai (xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông) cạn khô đã nứt nẻ. Ảnh: Lê Nam

Tại địa bàn TP. Pleiku, bà Phan Thị Thu Trang-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho hay: Đến thời điểm hiện nay, thành phố chưa xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, một số đập dâng, hồ tại các xã An Phú, Chư Á, Ia Kênh đã cạn nước làm hạn cục bộ 20,2 ha hoa màu và 15 ha lúa, thiệt hại 45-60%. Còn đối với cây cà phê, hồ tiêu người dân đã tưới đợt 4. Nhưng với tình hình nắng nóng kéo dài thêm 7-10 ngày nữa thì nguy cơ không có nguồn nước tưới đợt 5 cho cây cà phê (Ia Kênh 30 ha, Gào 35 ha, Diên Phú 22 ha).

Còn tại huyện Đak Pơ, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Từ giữa vụ Đông Xuân 2023-2024 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài làm mực nước trong các công trình thủy lợi, sông, suối, ao, hồ, bàu, đập trên địa bàn xuống thấp, thậm chí nhiều ao, hồ, bàu, đập đã cạn khô, ảnh hưởng lượng nước tưới cho các loại cây trồng. Đặc biệt, tại công trình thủy lợi hồ Thôn Trang (xã Yang Bắc) xảy ra thiếu nước tưới làm 7,5 ha lúa giảm năng suất 50-70%.

Để có nước tưới người dân đào một rãnh sâu ở lòng hồ 14B (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) tìm nước mạch. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, huyện Chư Păh, nắng hạn cũng làm 86,5 ha lúa bị thiệt hại, trong đó 13,7 ha thiệt hại trên 70%, 72,8 ha thiệt hại 50-70%. Ông Trần Đắc Thắng-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho hay: “Trên địa bàn huyện có 12 công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay, một số công trình đã cạn nước như: làng Yăh (thị trấn Ya Ly); Ia Bơr, Ia Tiêng (xã Chư Đang Ya); Ia Naih (xã Ia Mơ Nông). Ngoài ra,nhiều ao, hồ tưới cho cây trồng đã cạn kiệt. Nếu thời gian tới không có mưa, nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất”.

Giải pháp chống hạn

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết: Mùa mưa năm 2024 ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm 15-20 ngày. Cụ thể, ở các khu vực phía Trung tâm tỉnh và phía Tây mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 5; khu vực phía Đông và Đông Nam nửa cuối tháng 5 mới bắt đầu có mưa. Đặc biệt, từ nay đến giữa tháng 5, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 3-5 đợt nắng nóng kéo dài. Từ nay đến cuối tháng 5 dễ xảy ra các hiện tượng mưa giông, thường kèm theo mưa đá, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân.

“Đặc biệt cũng cần phải lưu ý đó là trong những tháng mùa mưa (tháng 6 và 7), nhiều khả năng số ngày mưa sẽ bị gián đoạn (hạn bà chằn) nên khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng trong những tháng đầu mùa mưa là rất lớn. Các ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện cần xây dựng phương án cân đối nguồn nước để tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh lịch thời vụ cho cây trồng và đảm bảo cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất”-ông Huấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) phát biểu nhận định về tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Nam

Đề cập về giải pháp phòng-chống hạn cho cây trồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: Trước mắt, huyện tiếp tục vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ hỗ trợ nguồn nước trong sinh hoạt và tổ chức nạo vét các giếng đào. Tận dụng mọi nguồn nước để tưới cho cây trồng như: đào giếng cạn lấy nước, bơm chuyền nước lên chân ruộng cao. Còn về lâu dài cần chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi và sử dụng các giống ngắn ngày chịu hạn; phổ biến, nhân rộng các biện pháp tưới nước tiết kiệm. “Đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ phân bón cho các hộ bị thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ Đông xuân 2023-2024 để nhân dân khôi phục lại sản xuất”-ông Hiệp đề xuất.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Trưởng-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Để chống hạn, UBND huyện đã chỉ đạo các tổ thủy nông cơ sở triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn như: đắp đập, chặn dòng; tưới luân phiên; bơm tưới kể cả giờ cao điểm; lắp đặt máy bơm dã chiến; khoan giếng; tận dụng mọi nguồn nước để bơm tưới nên vụ Đông Xuân cơ bản được đảm bảo. Hiện nay, người dân đã thu hoạch lúa đạt 85%, mía 97%, khoai lang 50%, dưa hấu 100%; mì 100%; thuốc lá đợt 8-9.

“Dự kiến sản xuất vụ mùa của huyện vào giữa tháng 5 đối với cây trồng cạn và cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 đối với cây lúa. Tuy nhiên, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuống giống cây trồng cạn vụ mùa 2024. UBND huyện Ia Pa cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn sông Ba có kế hoạch xả nước theo quy trình về phía hạ du để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, dân sinh và chăn nuôi. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình thủy lợi Ia Tul để có nước cho người dân sản xuất”-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa kiến nghị.

Người dân thôn Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) đang phải kéo nước từ hồ khác về hồ Bầu Nai để lấy nước tưới cứu cây trồng. Ảnh: Lê Nam

Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh: Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tính toán nhu cầu sử dụng nước tưới từ nay cho đến hết mùa cạn năm 2024 trên địa bàn để cung cấp cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện... nhằm xây dựng phương án điều tiết nước. Ngoài ra, UBND các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Ia Pa và thị xã An Khê tính toán nhu cầu sử dụng nước tưới từ nay cho đến hết mùa cạn năm 2024 cung cấp cho Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, Công ty cổ phần Đăk Srông, Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên để xây dựng phương án điều tiết nước ở hạ du gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.

Kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024. Đồng thời, triển khai ngay các giải pháp như: kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng-chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước.

Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai lắp đặt máy bơm để tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân. Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời; thực hiện các giải pháp nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích nước chết trong hồ chứa. Tổ chức kiểm kê, đánh giá mức độ thiệt hại để đề xuất hỗ trợ theo đúng quy định.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-tim-giai-phap-chong-han-cho-cay-trong-post273991.html