Gia đình... đảng viên!

'Ngót 30 năm về sống chung một nhà, thời gian ở bên nhau không nhiều nhưng vợ chồng tôi luôn hiểu, tin tưởng và cùng nhau nỗ lực phấn đấu', Đại tá Nguyễn Duy Liền, Chính ủy Lữ đoàn 683, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần nói về tổ ấm gia đình với sự tự hào, hãnh diện.

Năm 1992, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy-Kỹ thuật Tăng (nay là Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp), Nguyễn Duy Liền về nhận công tác tại Trung đoàn Tăng thiết giáp 574 (Quân khu 5) với cương vị cán bộ trung đội. Đơn vị anh và Trường THCS Quế Xuân (nay là Trường THCS Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vốn là hai đơn vị kết nghĩa, có nhiều hoạt động chung, tổ chức văn hóa-văn nghệ... Qua các hoạt động giao lưu đó, nhiệt huyết, sự xông xáo của tuổi trẻ cùng phong cách chững chạc, Nguyễn Duy Liền đã gây ấn tượng với cô giáo Nguyễn Thị Minh Giang vừa "chân ướt chân ráo" về trường. Bắt đúng “tần số”, tình cảm của hai người ngày càng phát triển lên những cung bậc mới.

Thực hiện chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, chưa đầy một năm, Nguyễn Duy Liền nhanh chóng "đón nàng về dinh" trong niềm vui của đồng chí, đồng đội, người thân hai bên gia đình. Hạnh phúc càng vẹn đầy khi tổ ấm nhỏ lần lượt chào đón sự xuất hiện của hai thành viên: Nguyễn Thành Luân và Nguyễn Hoàng Duy Linh.

Năm 2001, khi cậu con trai Duy Linh vừa tròn 4 tuổi, chị Giang bắt đầu làm quen với việc thường xuyên vắng mặt người đàn ông trụ cột trong gia đình. Theo sự điều động của tổ chức, anh Liền về nhận nhiệm vụ tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, cách nhà hơn 40km. Một thời gian ngắn, anh lại được điều động về công tác tại cơ quan quân sự huyện Nam Giang, cách nhà hơn 100km. “Hai con còn nhỏ, chồng công tác xa nhà, công việc ở trường bận rộn, nhiều lúc tôi thấy tủi thân vô cùng. Cũng may, bố mẹ đẻ tôi rất thông cảm với công việc của con rể, thường xuyên động viên mẹ con tôi cố gắng sắp xếp việc nhà, việc trường hài hòa để chồng yên tâm công tác. Khó khăn trước mắt có bố mẹ chung tay hỗ trợ”, chị Giang trải lòng.

Gia đình Đại tá Nguyễn Duy Liền. Ảnh do nhân vật cung cấp

Không có chồng ở gần để cùng san sẻ công việc, chị Giang tôi luyện mình trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và cứng cỏi hơn trong cuộc sống. Sáng sáng, chị tất tả đưa hai con trai đến trường rồi nhanh chóng đến với các học trò. Hết giờ dạy học, chị lại bươn bả đón các con, tất bật chuẩn bị bữa tối, dọn dẹp nhà cửa, dạy con học. Khi các con đã chìm vào giấc ngủ, chị mới bắt tay vào soạn giáo án. Nếp sinh hoạt của ba mẹ con cứ thế tiếp diễn.

Vì vậy, “năm 2012, anh Liền về nhận nhiệm vụ tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 (Quân khu 5) đóng quân tại xã La Êê (huyện Nam Giang), cách nhà hơn 200km cũng không có nhiều xáo trộn trong nếp sinh hoạt của 3 mẹ con tôi. Có điều, ở đơn vị mới, nơi đóng quân ở vùng sâu vùng xa, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không nên thăm hỏi, nói chuyện cũng trở nên khó khăn”, chị Giang nói. Cũng năm 2012, cơn bão số 6 đổ vào miền Trung. Để phòng bão, mấy mẹ con bắc thang lên chằng chèn mái ngói. Loay hoay thế nào mà cả mẹ và con bị ngã, tổn thương chân, tự đưa nhau vào viện. Khi biết không có gì nghiêm trọng, chị Giang mới gọi điện nói cho chồng biết vì sợ anh lo lắng.

Nhiều năm trôi qua, các con giờ đã khôn lớn, trưởng thành, mỗi khi nhắc đến câu chuyện về nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần (đóng quân tại TP Hải Phòng), anh Liền vẫn không giấu được cảm xúc. Anh bảo: "Tổ chức có quyết định điều động tôi giữ cương vị Phó chính ủy Lữ đoàn 649, tôi về làm công tác tư tưởng cho vợ con. Lúc này, gia đình bốn người ở bốn nơi. Cậu con trai Nguyễn Thành Luân vừa tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát TP Hồ Chí Minh, về TP Đà Nẵng công tác; con trai thứ hai Nguyễn Hoàng Duy Linh vào học tại Trường Đại học Cảnh sát TP Hồ Chí Minh; vợ công tác tại Trường THCS Quế Phú".

“Khi tôi về công tác tại Lữ đoàn 649, chuyện gia đình bốn thành viên cùng có bữa cơm sum họp càng trở nên vô cùng hiếm hoi. Nếu có mặt bố mẹ thì lại vắng các con hoặc đủ ba mẹ con thì bố lại không về được. Chính những lúc như thế, tôi mới càng thấm thía những vất vả, thiệt thòi của vợ và các con; càng cảm nhận rõ tình yêu và sự hy sinh của vợ và các con dành cho mình", Đại tá Nguyễn Duy Liền bộc bạch.

Thời gian thấm thoắt trôi, các con của anh chị đều đã trưởng thành. Nguyễn Thành Luân giờ đã là chàng thượng úy công an xông xáo, bản lĩnh của quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Nguyễn Hoàng Duy Linh đeo quân hàm trung úy, công tác tại Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Mỗi khi gia đình có dịp sum họp, anh Liền và vợ lại trêu hai con trai: "Bữa này chi bộ gia đình ta họp ra nghị quyết chuyên đề. Trong năm nay, các con phải đưa bạn gái về ra mắt bố mẹ. Nếu không thực hiện được, cả hai chuẩn bị sẵn bản kiểm điểm!". Nói đến đây, khuôn mặt anh Liền ánh lên niềm tự hào: "Gia đình tôi có bốn thành viên đều là đảng viên và giữ trọng trách nhất định ở nơi công tác. Tôi là Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 683, bà xã là Phó bí thư Chi bộ Trường THCS Quế Phú; hai con trai là cán bộ, đảng viên và trong cấp ủy chi bộ, nhiều năm liền hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ...

Nghe Đại tá Nguyễn Duy Liền kể về gia đình, nhìn ánh mắt rạng ngời cùng nụ cười hạnh phúc của anh khi nói về vợ và các con, chúng tôi cảm nhận thật rõ: Hạnh phúc của người lính là có một hậu phương luôn đồng hành, thấu hiểu và sẻ chia cùng sự khôn lớn, trưởng thành của các con!

VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/gia-dinh-dang-vien-727210