Giá đất bồi thường không bằng bát phở, chuyên gia đề nghị cần có Tổ chức định giá đất độc lập

'Giá đất bồi thường tại một số nơi chưa bằng bát phở, bởi việc định giá đất hiện do địa phương quyết định và chắc chắn có lợi ích nhóm. Do đó, cần có tổ chức tư vấn, định giá đất độc lập dưới sự điều hành của Quốc hội'.

Một vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Hà Nội

Đó là kiến nghị của chuyên gia Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức ngày 9/3.

Về thu hồi đất,ông Bùi Văn Phòng kiến nghị luật sửa đổi cần tách bạch rõ nội hàm về 3 mục đích thu hồi đất. Bao gồm:

+ Thu hồi đất vì mục địch quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng;

+ Thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội;

+ Thu hồi đất giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền.

Trên cơ sở tách bạch làm rõ mục đích thu hồi đất nói trên, nhà nước xây dụng đơn giá đền bù phù hợp với mục đích thu hồi. Khi đó rõ mục đích, người dân dễ dàng chấp nhận, từ đó hạn chế khiếu kiện liên quan đến đất đai và khắc phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất.

Thực tế, việc thu hồi đất tại nhiều địa phương thời gian qua khiến dư luận bất bình bởi đơn giá quá thấp. Thậm chí, có nơi 1m2 đất thu hồi không bằng bát phở. "Như ở Thái Bình, đất thu hồi ở xã được bồi thường là 68 triệu đồng/sào; ở phường, thị trấn là 78 triệu đồng/sào. Giá như vậy là thấp", ông Phòng dẫn chứng.

Chuyên gia Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình

Chuyên gia Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình

Ông Phòng cũng cho rằng, Luật Đất đai hiện hành giao cho UBND tỉnh định giá các loại đất là rất bất cập. Bởi các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đa số theo cơ cấu ủy viên thường vụ tỉnh ủy, giám đốc các sở, ngành, trưởng các đoàn thể, bí thư, chủ tịch huyện/thị. Vì vậy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ thể hiện ý chí của ông Bí thư, Chủ tịch tỉnh, không thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Do đó, việc định giá đất sẽ thiếu khách quan, xảy ra tình trạng lợi ích nhóm. Vì vậy, các tỉnh sát nhau nhưng giá đất lại khác nhau.

Vì vậy, ông Phòng kiến nghị: "Bỏ cùm từ quy định: '...UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất', tại khoản 2, Điều 74, Luật Đất đai 2013. Thay vào đó, Luật Đất đai sửa đổi cần đưa vào điều luật quy định viện thành lập tổ chức tư vấn định giá đất chuyên nghiệp dưới sự chỉ đạo điều hành của Quốc hội. Tổ chức này độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đất.

Phân tích kỹ hơn về đề xuất này, ông Phòng cho rằng việc xác định giá đất rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp xác định giá đất cụ thể như so sánh trực tiếp còn chưa rõ ràng, hợp lý, dẫn đến tình trạng địa phương tùy ý lựa chọn phương pháp đấu giá đất. Do đó, giải pháp tối ưu nhất là để định giá đất sát giá thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp về định giá đất độc lập nói trên tiến hành. Các tổ chức này sẽ thực hiện những hoạt động cụ thể ở từng địa phương như xây dựng bảng giá đất trên địa bàn các tỉnh, thành.

Toàn cảnh buổi hội nghị

Toàn cảnh buổi hội nghị

"Lập tổ chức chuyên nghiệp định giá đất không chỉ giúp cho việc thu hồi đất thuận lợi mà còn là giải pháp tích cựu phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong thu hồi đất", ông Phòng nói.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, ông Phòng cho rằng, khiếu kiện về đất đai thường rất gay gắt, phức tạp, kéo dài, khó dứt điểm. Do đó, ông cho rằng, luật sửa đổi nên giữ nguyên trách nhiệm hòa giải tranh chấp đất đai là chủ tịch UBND xã, phường thị trấn như luật hiện hành. Ông cũng đề nghị luật sửa đổi quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là của tòa án. Bởi thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính (Điều 203, Luật đất đai 2013) và bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của người dân hoặc tòa.

Theo ông Phòng, hiện nay, độ tin tưởng của nhân dân vào tòa án rất cao. Thứ hai, người dân đi kiện phải có hồ sơ đất đai, địa chính (do chính quyền quản lý) nhưng rất khó tiếp cận nhưng tòa chỉ cần có công văn là có. Thứ ba, là tránh xung đột giữa cơ quan hành chính và tòa án (thực tế có vụ án mà quá trình giải quyết từ cơ quan hành chính đến tòa án cấp cao đều như nhau). Cơ quan hành chính chỉ có trách nhiệm cung cấp hồ sơ tài liệu. Còn nếu như luật hiện hành, thì thiệt là người dân.

Các chuyên gia trình bày tại hội nghị

Các chuyên gia trình bày tại hội nghị

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Tuyết, Kiểm sát viên cao cấp (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ mục đích thu hồi đất. Từ đó, sẽ góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng góp ý về các vấn đề như Cấp giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất; bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi; đăng ký biến động…

Trần Hiếu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-dat-boi-thuong-khong-bang-bat-pho-chuyen-gia-de-nghi-can-co-to-chuc-dinh-gia-dat-doc-lap-20230309103003656.htm