GDP Malaysia quý 2/2023 chậm lại do xuất khẩu yếu

Theo dữ liệu được Ngân hàng Trung ương Malaysia công bố ngày 18/8, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2023 nước này đạt 2,9% - tốc độ chậm nhất trong 7 quý gần đây do xuất khẩu yếu.

Tăng trưởng GDP quý 2/2023 của Malaysia chậm lại so với quý trước do xuất khẩu yếu. Ảnh: AP

Trong quý 1 đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia tăng 5,6% và vượt trội so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên tới quý 2, đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 của nước này đã chậm lại cùng với tốc độ tăng trưởng.

Nikkei Asia trích dẫn báo cáo chính thức cho thấy nhu cầu bên ngoài yếu đi đang ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của nước này do Malaysia là một trung tâm sản xuất đồ điện tử và các sản phẩm khác và phụ thuộc rất nhiều vào thương mại. Trong tháng 6, xuất khẩu giảm 14% trong khi xuất khẩu nói chung trong quý 2/2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài xuất khẩu, nhập khẩu của Malaysia cũng ghi nhận mức giảm 9,7% trong khi tiêu dùng cá nhân vốn chiếm khoảng 60% GDP của quốc gia – cũng giảm xuống mức 4,3% trong quý 2/2023 từ mức 5,9% của quý trước đó. Tuy lĩnh vực dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng 4,7% và lĩnh vực sản xuất tăng 0,1% trong khoảng thời gian này, cả 2 chỉ số này đều chậm lại so với tốc độ của quý trước.

Phát biểu trước các phóng viên ngày 18/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) Marzunisham Omar cho biết: "Kết quả tăng trưởng kém bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm, chu kỳ công nghệ tiếp tục đi xuống ảnh hưởng đến xuất khẩu linh kiện bán dẫn và cuối cùng các yếu tố tạm thời như thời tiết ảnh hưởng tới việc sản xuất dầu cọ”. Ngoài ra, việc bảo trì các nhà máy cũng ảnh hưởng phần nào tới quá trình sản xuất các sản phẩm lọc dầu của Malaysia.

Nhận định về tình hình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia phải chịu "rủi ro suy giảm chủ yếu xuất phát từ tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết có những yếu tố tích cực xuất hiện, chẳng hạn như "hoạt động du lịch mạnh mẽ hơn dự kiến và các dự án được triển khai nhanh hơn” đã phần nào bù đắp được các ảnh hưởng tiêu cực.

Khi được hỏi liệu nền kinh tế Malaysia trong cả năm 2023 có thể đạt được mục tiêu GDP đã đề ra trước đó là từ 4% tới 5% hay không, ông Abdul Rasheed Ghaffour cho biết tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm sẽ “phải đạt trung bình khoảng 3,7% để có thể đạt được ngưỡng tăng trưởng 4% trong cả năm”. Ngoài ra, do triển vọng xuất khẩu yếu, động lực tăng trưởng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước gia tăng.

Trong một báo cáo ngày 18/8, nhà kinh tế cấp cao Alex Holmes từ Oxford Economics nhận định mục tiêu tăng trưởng 4% tới 5% sẽ khó đạt được do ảnh hưởng từ "môi trường bên ngoài”. Theo Nikkei Asia trích dẫn ông, hy vọng về sự thúc đẩy kinh tế từ Trung Quốc đang nhanh chóng biến mất trong khi động lực duy trì nhu cầu trong nước sẽ yếu do xuất khẩu suy giảm ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp và đầu tư.

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng GDP quý 2/2023 của Malaysia chỉ cao hơn Singapore (0,7%) và thấp hơn Việt Nam (4,14%), Philippines (4,3%) và Indonesia (5,7%). Thái Lan chưa công bố GDP quý 2, tuy nhiên một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters đưa ra dự đoán con số sẽ rơi vào mức 3,1%.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gdp-malaysia-quy-22023-cham-lai-do-xuat-khau-yeu-post25813.html