Đường sắt lãi đậm quý I

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng trong năm nay nhưng tính riêng quý I, cả HRT và SRT đều báo lãi hơn 30 tỷ đồng.

Ngành đường sắt có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I. Ảnh: SRT.

Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý I với doanh thu cao kỷ lục hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Với số thu này, doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%.

Kết quả kinh doanh kể trên đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái của Đường sắt Hà Nội.

Tương tự, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm nay đạt 556 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng gần 59 tỷ đồng, đóng góp gần 2/3 mức tăng của tổng doanh thu trong quý. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong gần 5 năm qua của doanh nghiệp đường sắt này.

Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 33 tỷ đồng.

Chỉ sau 3 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Con số này cũng vượt xa mục tiêu năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là doanh thu gần 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng.

Trước đó, tổng công ty này đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao.

Trong năm 2023 trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có mức doanh thu hợp nhất đạt 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch.

Trước đó, đơn vị này đã trải qua 3 năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Trong đó, năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 111 tỷ đồng.

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là 2 công ty thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo kế hoạch trong năm nay, VNR sẽ tiến hành hợp nhất 2 công ty đường sắt này nhằm nâng cao được năng lực cạnh tranh, tăng sản lượng, doanh thu và giảm chi phí.

Tương tự công ty mẹ, cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miền những năm trước.

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 đơn vị đều nhìn nhận chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng do và phương tiện chuyên chở lạc hậu. Tuy nhiên, gần đây, ngành đường sắt đã cải thiện chất lượng dịch vụ, cho ra mắt các chuyến tàu du lịch chất lượng cao.

Ngày 27/4, tại Ga Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (TP.HCM - Đà Nẵng). Trong đó, tàu SE21/22 là sản phẩm mới với nhiều tiện ích và thẩm mỹ cao, được ngành đường sắt đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4-1/5 và được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch “hot” đối với du khách trong dịp hè 2024.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/duong-sat-lai-dam-quy-i-post1473591.html