Đừng thờ ơ với viêm gan vi - rút

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện Việt Nam có gần 8 triệu người mắc bệnh viêm gan vi - rút, nhu cầu điều trị là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết mình mắc bệnh, chỉ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng... mới đi khám khiến cho việc điều trị trở lên khó khăn, tốn kém và nguy cơ tử vong cao.

Gánh nặng cho Y tế vì viêm gan

Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 3 toàn cầu, thứ 2 châu Á vì tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan vi-rút cao. Tại Khoa Viêm gan, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân mắc bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện điều trị trong tình trạng muộn. Hiện phòng khám ngoại trú của Bệnh viện cũng đang quản lý hơn 7.000 bệnh nhân viêm gan B và khoảng 3.000 bệnh nhân viêm gan C.

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, viêm gan là bệnh lý thường gặp tại Việt Nam. Trong đó, viêm gan virút B, viêm gan vi-rút C và uống nhiều rượu chính là những nguyên nhân phổ biến gây xơ gan. Ngoài ra, có thể gặp các nguyên nhân khác gây xơ gan như: Gan nhiễm mỡ (thường gặp ở người bệnh tiểu đường hoặc thừa cân), nguyên nhân do di truyền, do chất độc (thuốc, thực phẩm chức năng…), viêm gan tự nhiên…

Đáng lo ngại, với những người nhiễm virút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Thống kê trên toàn thế giới mỗi năm có hơn 1 triệu người tử vong vì xơ gan, ung thư gan.

Lấy máu xét nghiệm miễn phí viêm gan virút B và C cho người dân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đơn cử tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình một tháng có khoảng 9.000 người đến cả 2 cơ sở của Bệnh viện khám vì viêm gan, trong đó có khoảng 250 người bệnh nặng phải điều trị. Trong đó, ngoài viêm gan do virút, nhiều bệnh nhân nhập viện do uống quá nhiều rượu. Cụ thể như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Ch. (44 tuổi) đã điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được 15 ngày. Cách đây hơn 1 năm, anh Ch. thấy mệt mỏi, chán ăn, da vàng, bụng trướng, đi khám mới biết mình bị viêm gan b đã chuyển sang giai đoạn xơ gan.

Kể từ đó, anh Ch. Đã nhiều lần phải nhập viện khám và điều trị tại nhà và lần này men gan tăng cao, mệt mỏi kéo dài, vào khám bác sĩ yêu cầu anh phải nhập viện điều trị ngay. Điều đáng chú ý là theo chia sẻ của bệnh nhân, bệnh nhân đã uống rượu từ ngày còn là thanh niên, đến nay vẫn uống mỗi bữa ăn một cốc. Các bác sĩ cảnh báo, tình trạng của anh Ch. đã ở “giai đoạn báo động” vì trong gan có nhiều sẹo, mức độ tổn hại lớn.

Tương tự, trường hợp bệnh nhân Đinh Văn A. (35 tuổi) mắc viêm gan B đã 10 năm. Gần đây, khi nhận thấy bụng trướng, vàng da, vàng mắt, anh A. tới Bệnh viện khám và bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay vì bệnh của anh đã chuyển sang xơ gan nặng, nguy cơ ung thư gan là rất cao. Anh A. thừa nhận vẫn thường xuyên uống rượu, bia, ngay cả khi bệnh nặng vẫn ăn nhậu với bạn bè.

Theo các bác sĩ, viêm gan do rượu là tổn thương viêm gan tiến triển do sử dụng rượu trong một thời gian dài. Đây là một trong những bệnh phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tổn thương gan do rượu gặp ở những bệnh nhân lạm dụng rượu, thường với mức độ trên 60 gram/ngày đối với nam và trên 20 gram/ngày ở nữ trong thời gian ít nhất 10 năm.

Nguy hiểm trào lưu anti vắc xin

Tại Việt Nam với số lượng gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C nên nhu cầu chăm sóc, điều trị là rất lớn. Tuy nhiên lượng bệnh nhân đến được cơ sở chăm sóc điều trị vẫn rất thấp do người dân chưa có đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh này không có triệu chứng rõ ràng mà thường diễn biến âm thầm khó nhận biết.

"Người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, chứ không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới vào viện, lúc này bệnh đã vào giai đoạn muộn rồi" - GS. Kính nhấn mạnh.

Các nhà khoa học đã tìm ra 5 loại viêm gan virút, trong đó viêm gan virút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan virút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan virút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong 5 loại virút viêm gan trên, virút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1987 giúp giảm tỉ lệ viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 5%. Tuy nhiên thời gian gần đây, phong trào anti vắc xin rộ lên khiến một bộ phận người dân "quay lưng" với vắc xin, trong đó có vắc xin phòng bệnh viêm gan B làm giảm tỉ lệ tiêm loại vắc xin này. GS. Kính cho rằng, đây là điều rất đáng lo ngại, song nhờ có nỗ lực của ngành Y tế, việc tăng cường truyền thông sức khỏe, tiêm chủng nên tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đã tăng trở lại trên 90%.

Phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1%. Còn theo các chuyên gia Y tế, viêm gan B là bệnh có thể phòng được bằng tiêm vắc xin, viêm gan C tuy không có vắc xin nhưng đã có thuốc kháng virút chữa khỏi bệnh. Do vậy, mục tiêu loại trừ viêm gan virút vào năm 2030 tuy còn nhiều thách thức nhưng có thể thực hiện được.

Cũng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi-rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virút viêm gan B cao như Việt Nam, WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuyển giao được nhiều gói kỹ thuật điều trị viêm gan, đưa chương trình phòng chống viêm gan B xuống cơ sở. Tuy nhiên, các bác sĩ nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này. Đặc biệt, để phòng tránh mắc viêm gan do rượu, biện pháp hữu hiệu nhất là hạn chế sử dụng rượu bia.

Đối với những bệnh nhân viêm gan do rượu mức độ nhẹ, nên ngừng sử dụng rượu bia sẽ giúp cải thiện mức độ thoái hóa mỡ ở gan, giảm men gan và ngăn ngừa tiến triển bệnh. Đối với những bệnh nhân viêm gan do rượu nặng, việc ngừng sử dụng rượu bia là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân uống rượu với số lượng nhiều và trong thời gian dài, để có thể ngừng sử dụng rượu cần có sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ phối hợp với gia đình.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dung-tho-o-voi-viem-gan-vi-rut-93333.html