Đuối nước ở trẻ và cách sơ cứu đúng lúc ban đầu

Dù mới bước vào đầu hè nhưng trong những ngày vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận các bệnh nhi bị đuối nước nghiêm trọng, tính mạng nguy kịch. Chính vì vậy, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng.

Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: Ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút…

Hậu quả có thể dẫn tới các di chứng nặng nề hoặc tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách.

Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ khi bị ngạt nước, đuối nước

Ngay tại chỗ cần khẩn trương, đúng phương pháp để nhanh chóng giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.

Việc làm đầu tiên: Cần đưa nạn nhân ra khỏi nước.

- Nếu người cứu biết bơi và có kỹ năng cứu hộ thì có thể xuống nước để đưa nạn nhân lên bờ. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

- Nếu người cứu không biết bơi hoặc chưa thuần thục bơi lội, tuyệt đối không nhảy xuống nước, bởi nạn nhân lúc này đang trong tình trạng hoảng loạn, giãy giụa, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Trong trường hợp này, cần tìm khúc gỗ, phao, dây… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người có khả năng đến cứu.

Sau khi đưa người bị nạn lên bờ, sẽ xảy ra các tình huống: Có người không sao do chỉ uống vài ngụm nước; có người thì ho sặc - hơi khó thở; có trường hợp thì bất tỉnh. Và việc sơ cứu khẩn cấp chủ yếu đặt ra với người bị bất tỉnh là chính. Cần tiến hành cấp cứu tại chỗ, khẩn trương, bởi đây là giai đoạn quyết định mạng sống của nạn nhân.

Đặt trẻ nằm ở mặt phẳng chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở, cần tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Dùng 2 ngón tay cái ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
Đối với trẻ từ 1 - 8 tuổi: Dùng 1 bàn tay ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay.
Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5 lần ấn tim/1 lần thổi ngạt (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15 lần ấn tim/2 lần thổi ngạt (đối với trẻ trên 8 tuổi).

Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hoặc dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và giữ ấm cho nạn nhân.
Khi tỉnh lại nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.

Đuối nước thường xảy ra vào các tháng mùa hè.

Lưu ý khi cấp cứu cho người bị ngạt nước, đuối nước

Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay lập tức, ngay tại chỗ khi đưa được nạn nhân lên bờ.

Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi, chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết.

Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).

Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn của nạn nhân, nhất là ở trẻ nhỏ.

Với ngạt nước thì sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, điều này quyết định đến sự sống còn và khả năng di chứng não của người bị nạn.

Phòng ngạt nước, đuối nước như thế nào?

Ngoài việc sơ cứu kịp thời thì phòng tránh đuối nước là một giải pháp tối ưu trong việc giảm thiểu hậu quả.

Đối với trẻ em

Không bơi, chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn giám sát.

Những nguyên tắc an toàn khi bơi:

Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.
Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết.
Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
Phải khởi động trước khi xuống nước.
Không ăn uống khi đang bơi để tránh bị sặc nước.
Thận trọng khi dùng các phao bơm hơi ở chỗ nước sâu, vì phao có thể bị xẹp bất cứ lúc nào.
Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

BS. Trần Lê Thúy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/duoi-nuoc-o-tre-va-cach-so-cuu-dung-luc-ban-dau-169240429214938451.htm