Đức Phật lý giải thế nào về việc người sát sinh vẫn được hưởng phúc?

Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao người tốt lại hay chịu thiệt trong khi người ác lại sống rất sung sướng, kẻ sát sinh vẫn được hưởng phúc.

Trong Kinh Tạp Thí Dụ ghi lại một câu chuyện về người đồ tể sát sinh được thăng thiên hưởng phúc.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế có một vị vua tên là A-xà-thế, đồng thời cũng là một người rất tín Phật. Một hôm, một người đồ tể kiếm sống bằng nghề sát sinh đến gặp vua, xin vua ban cho một điều, vua A-xà-thế liền hỏi ông có ước nguyện gì?

Người đồ tể nói: “Thưa Đại Vương! Khi cần giết mổ súc vật trong các dịp lễ hội, xin ngài hãy giao phó cho tôi”.

Nhà vua ngạc nhiên hỏi: “Sát sinh là việc ít người chịu làm thay cho người khác, tại sao ngươi lại có nguyện vọng như vậy?”

Người đồ tể trả lời: "Kiếp trước tôi đã từng là một người nghèo. May mắn thay, tôi đã có thể sống sót bằng nghề giết cừu. Nhờ nghề này, khi chết đi tôi đã thăng lên cõi trời Tứ Thiên Vương để hưởng phúc. Hết tuổi thọ cõi trời, tôi lại được đầu thai làm người, vẫn làm nghề giết cừu, sau khi chết lại được lên trời.

Ảnh minh họa.

Cứ như vậy đến lần này đã là lần thứ sáu tôi sinh ra làm người và được làm công việc giết cừu; để mỗi lần chết được lên trời, hưởng thụ hạnh phúc vô biên ở cõi trời. Tôi đã tự mình trải nghiệm lợi ích của việc giết thịt cừu, nên tôi đến thỉnh cầu Đại Vương”.

Vua A-xà-thế nghe xong vô cùng kinh ngạc, trong tâm nảy sinh nghi hoặc liền hỏi: “Tình huống của ngươi, cho dù có đúng như lời ngươi nói, nhưng làm sao ngươi biết được như vậy?”

Người đồ tể vui vẻ trả lời: “Vì tôi có công năng túc mệnh thông nên có thể biết việc tiền kiếp của mình.”

Nhà vua không tin đó là sự thật, bởi vì người đồ tể này không những không xuất gia tu hành, lại làm nghề sát sinh làm sao có được công năng túc mệnh thông? Quốc Vương liền đi tìm Đức Phật xin được chỉ giáo.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích: "Sự tình mà đồ tể nói đều là sự thật, không phải là nói dối. Ở kiếp trước, ông ta đã gặp một vị Phật Duyên Giác, lúc bấy giờ, người đồ tể rất vui mừng, kính trọng. Ông chăm chú nhìn tướng mạo trang nghiêm của vị Duyên giác từ đó xuất ra những niệm thiện nên tích được nhiều công đức. Nhờ những công đức này mà ông được lên trời sáu lần hưởng phúc, rồi sinh làm người, lại có khả năng nhớ được tiền kiếp.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc ông ta sát sinh sẽ phải chịu ác báo. Chỉ là do thiện báo hưởng chưa hết nên cơ duyên trổ ác nghiệp chưa đến, cho nên hiện tại ông ta chưa bị ác báo. Đến khi hết thọ mệnh của kiếp sống này, phúc báo hưởng cạn, ông ta sẽ phải xuống địa ngục, chịu quả báo cho tội giết cừu.

Sau khi chịu tội báo dưới địa ngục, lại chuyển sinh vô số lần làm cừu để bị giết thịt tiếp tục trả nợ. Người đồ tể này có công năng túc mệnh thông nhưng ở tầng thứ thấp nên chỉ có thể biết được một vài sự việc trong quá khứ. Đến đời thứ 7 sẽ không thể biết. Vì vậy ông ta mới ngộ nhận rằng nhờ giết cừu mà có thể lên trời hưởng phúc”.

Sau khi nghe Đức Phật Thích Ca giải thích, vua A-xà-thế chợt giác ngộ. Ông tiếp tục tu hành, dạy người làm việc thiện không sát sinh, ông tin rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo.

Đức Phật cho rằng, những người sát sinh sẽ tự gieo vào tâm thức của mình sự độc ác, si mê, sân hận. Nó sẽ lấn át sự từ bi, thương yêu trong tâm thức của mỗi người khiến cho sự từ bi, thương yêu đó không còn cơ hội để thể hiện. Trong khi đó, sự thù hận, độc ác lại có cơ hội biểu hiện ở mức độ mạnh hơn. Người thường xuyên sát sinh sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề, không những phải trả giá trong kiếp này mà còn cả trong những kiếp sau.

Thiện ác hữu báo là có thật, nhưng vì có những nguyên nhân khác nhau mà có những biểu hiện khác nhau. Đặc biệt là thời gian báo ứng là không để biết trước được. Đây cũng là nguyên nhân khiến con người không tin luật nhân quả.

T. Linh (Theo Epochtimes)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/duc-phat-ly-giai-the-nao-ve-viec-nguoi-sat-sinh-van-duoc-huong-phuc-d187299.html