Cô gái Hà Lan an tử ở tuổi 29 gây phản ứng mạnh khắp thế giới

Zoraya ter Beek, người mắc chứng trầm cảm mạn tính, lo âu, sang chấn và rối loạn nhân cách không xác định, sắp trải qua bước cuối cùng của quy trình an tử hợp pháp.

 Zoraya ter Beek cho biết cô nhẹ nhõm khi ngày an tử sắp đến. Cô đã chiến đấu quá lâu. Ảnh: Guardian.

Zoraya ter Beek cho biết cô nhẹ nhõm khi ngày an tử sắp đến. Cô đã chiến đấu quá lâu. Ảnh: Guardian.

Một phụ nữ Hà Lan 29 tuổi sắp được an tử theo nguyện vọng với lý do đau khổ về tinh thần không thể chịu đựng nổi, đang làm dấy lên một cuộc tranh luận khắp châu Âu, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, Guardian đưa tin hôm 16/5.

"Tôi hiểu phản ứng của mọi người"

Zoraya ter Beek đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng vào tuần trước về việc hỗ trợ kết thúc cuộc sống, sau quá trình kéo dài 3,5 năm theo luật được thông qua ở Hà Lan vào năm 2002.

Trường hợp của cô gây ra tranh cãi vì việc trợ tử cho những người mắc bệnh tâm thần ở Hà Lan vẫn là điều bất thường, mặc dù con số này đang gia tăng. Năm 2010, nước này ghi nhận 2 trường hợp (an tử) liên quan đến tâm thần; vào năm 2023, con số lên tới 138, chiếm 1,5% trong số 9.068 ca trợ tử.

Một bài báo về trường hợp của Ter Beek, xuất bản vào tháng 4, khiến truyền thông quốc tế chú ý, và gây ra làn sóng phản đối gay gắt khiến cô căng thẳng cực độ.

Ter Beek cho hay hoàn toàn có thể hiểu được rằng những trường hợp như của cô - và vấn đề rộng hơn là liệu việc trợ tử có hợp pháp hay không - đang gây tranh cãi.

“Mọi người nghĩ rằng khi bạn mắc bệnh tâm thần, bạn không thể suy nghĩ sáng suốt, điều đó thật xúc phạm”, cô nói với Guardian.

“Tôi hiểu nỗi lo sợ của một số người khuyết tật về việc trợ tử và lo lắng về việc mọi người chịu áp lực phải chết”.

“Nhưng ở Hà Lan, chúng tôi đã có luật này hơn 20 năm. Có những quy định nghiêm ngặt và điều này thực sự an toàn”.

 Ter Beek đã phải vật lộn với tình trạng tâm thần mạn tính từ khi còn nhỏ. Ảnh: Guardian.

Ter Beek đã phải vật lộn với tình trạng tâm thần mạn tính từ khi còn nhỏ. Ảnh: Guardian.

Theo luật Hà Lan, để đủ điều kiện nhận trợ tử, một người phải trải qua “sự đau khổ không thể chịu đựng được và không có triển vọng cải thiện”. Họ phải có đầy đủ thông tin và đủ năng lực để đưa ra quyết định như vậy.

“Không còn gì” để điều trị nữa

Những khó khăn của Ter Beek bắt đầu từ thời thơ ấu. Cô bị trầm cảm mạn tính, lo lắng, sang chấn và rối loạn nhân cách không xác định. Cô cũng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Khi gặp người bạn đời của mình, cô nghĩ môi trường an toàn mà anh mang lại sẽ chữa lành vết thương cho cô. “Nhưng tôi vẫn tiếp tục tự làm hại bản thân và có ý định tự tử”, cô trải lòng.

Cô đã thực hiện các phương pháp điều trị chuyên sâu, bao gồm liệu pháp nói chuyện, dùng thuốc và hơn 30 buổi trị liệu sốc điện (ECT). “Trong quá trình trị liệu, tôi đã học được rất nhiều điều về bản thân và cơ chế ứng phó, nhưng nó không giải quyết được những vấn đề chính. Khi bắt đầu điều trị, tôi bắt đầu có hy vọng. Tôi nghĩ tôi sẽ khỏe hơn. Nhưng việc điều trị càng kéo dài, tôi bắt đầu mất hy vọng”.

Sau 10 năm, “không còn gì” để điều trị nữa. “Tôi biết tôi không thể đương đầu với cuộc sống hiện tại của mình”, Ter Beek nói.

Cô đã nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình nhưng vụ tự sát của một người bạn cùng trường và ảnh hưởng của nó đối với gia đình người này đã ngăn cản cô.

“Tôi hoàn thành ECT vào tháng 8/2020, và sau một thời gian chấp nhận không còn phương pháp điều trị nào nữa, tôi đã nộp đơn xin trợ tử vào tháng 12 năm đó. Đó là một quá trình lâu dài và phức tạp. Nó không giống như việc bạn yêu cầu được trợ tử vào thứ hai và bạn sẽ chết vào thứ sáu”.

“Tôi nằm trong danh sách chờ giám định rất lâu vì có quá ít bác sĩ sẵn sàng tham gia hỗ trợ cái chết cho những người mắc bệnh tâm thần. Sau đó, bạn phải được một nhóm đánh giá, có ý kiến thứ hai về khả năng hội đủ điều kiện của bạn và quyết định của họ phải được một bác sĩ độc lập khác xem xét”.

“Trong ba năm rưỡi qua, tôi chưa bao giờ do dự về quyết định của mình. Tôi cảm thấy tội lỗi - tôi có bạn đời, gia đình, bạn bè và tôi không làm ngơ trước nỗi đau của họ. Và tôi cảm thấy sợ hãi. Nhưng tôi hoàn toàn quyết tâm vượt qua nó”.

“Mọi bác sĩ ở mọi giai đoạn đều nói: ‘Bạn có chắc không? Bạn có thể dừng lại bất cứ lúc nào’. Người bạn đời của tôi đã có mặt trong hầu hết cuộc trò chuyện để hỗ trợ tôi, nhưng nhiều lần anh ấy đã được yêu cầu rời đi để các bác sĩ có thể chắc chắn rằng tôi đang nói chuyện thoải mái”.

Xóa tất cả tài khoản mạng xã hội

Khi bài báo về trường hợp của cô - trong đó Ter Beek cho rằng có nhiều thông tin không chính xác và xuyên tạc - được xuất bản vào tháng 4, hộp thư đến của cô đã “bùng nổ”. Hầu hết bình luận đến từ bên ngoài Hà Lan, nhiều ý kiến từ Mỹ. Cô nhanh chóng xóa tất cả tài khoản mạng xã hội của mình.

“Mọi người nói: ‘Đừng làm điều đó, mạng sống của bạn rất quý giá’. Tôi biết điều đó. Những người khác nói rằng họ đã tìm được cách điều trị, chẳng hạn như một chế độ ăn đặc biệt hoặc dùng thuốc. Một số người nói tôi hãy tìm Chúa hoặc thánh Allah, hoặc nói với tôi rằng tôi sẽ bị thiêu trong địa ngục. Đó thực sự là một cơn bão”.

Sau khi gặp đội ngũ y tế của mình, Ter Beek dự tính thời điểm trợ tử sẽ diễn ra trong vài tuần tới. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là một cuộc chiến lâu dài”.

 Ter Beek sẽ thực hiện bước cuối cùng trong quy trình an tử tại nhà riêng. Ảnh: Guardian.

Ter Beek sẽ thực hiện bước cuối cùng trong quy trình an tử tại nhà riêng. Ảnh: Guardian.

Đúng ngày hẹn, đội ngũ y tế sẽ đến nhà Ter Beek.

“Họ sẽ bắt đầu bằng việc cho tôi uống thuốc an thần và sẽ không dùng thuốc khiến tim tôi ngừng đập cho đến khi tôi hôn mê. Đối với tôi, nó sẽ giống như chìm vào giấc ngủ vậy. Bạn đời của tôi sẽ ở đó, nhưng tôi đã nói với anh rằng không sao nếu anh cần rời khỏi phòng trước thời điểm chết”, cô nói.

“Đã đến lúc rồi, chúng tôi đã sẵn sàng và chúng tôi cần sự yên bình. Tôi cũng cảm thấy có lỗi. Nhưng đôi khi, khi bạn yêu một ai đó, bạn phải để họ ra đi”.

Hạnh Di

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/co-gai-ha-lan-an-tu-o-tuoi-29-gay-phan-ung-manh-khap-the-gioi-post1475888.html