Đưa Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Đất Tổ đã đưa Hát Xoan vào giảng dạy trong các nhà trường, góp phần phát huy giá trị di sản Hát Xoan của dân tộc, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận và sức lan tỏa mạnh mẽ.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng biểu diễn Hát Xoan.

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn. Để các em học sinh tiếp cận với Hát Xoan, nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như truyền dạy, treo pa-nô, áp-phích trong và ngoài trường, thành lập câu lạc bộ Hát Xoan tại các lớp. Hằng tuần, hằng tháng, ngoài việc dạy hát trong giờ âm nhạc, trường còn mời Nghệ nhân tại các phường Xoan gốc đến trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Đến nay, 100% các lớp đều được tìm hiểu và học Hát Xoan, trong đó các em học sinh từ lớp hai trở lên thuộc trên năm bài Xoan cổ. Đây là điểm nổi bật bởi không phải bất cứ trường nào cũng triển khai thành công như vậy. Cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc lựa chọn bài hát đưa vào truyền dạy được nhà trường thảo luận để làm sao các em dễ tiếp thu nhất, đó là những bài có giai điệu đơn giản, lời ca mộc mạc, dễ nhớ như hát bỏ bộ, bắc cầu, xe chỉ vá may...”.

Em Nguyễn Linh Chi, học sinh lớp 5A7, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Ngay từ khi vào lớp một, chúng em đã được các cô giáo trong trường dạy Hát Xoan, lúc đầu là những bài ngắn, dễ nhớ, sau là các bài dài hơn, khó hát hơn. Chúng em còn được nhà trường cho đi thực tế tại các làng cổ, là cái nôi của Hát Xoan như Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô... Bây giờ em có thể hát được rất nhiều bài về Xoan và em rất yêu Hát Xoan”.

Học Hát Xoan ở Trường Tiểu học Chu Hóa, thành phố Việt Trì.

Những năm qua, Trường THPT Phong Châu, huyện Lâm Thao đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, tổ chức các hoạt động theo từng tháng, từng quý với các chủ đề, chủ điểm khác nhau. Nhà trường đã xây dựng chủ đề “Chúng em tập làm hướng dẫn viên du lịch” với mong muốn tất cả học sinh nhà trường cùng tham gia tìm hiểu về Đền Hùng để giới thiệu với du khách và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nội dung đòi hỏi thí sinh phải thể hiện sự hiểu biết của mình để giới thiệu về Đền Hùng và những hiểu biết về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với các buổi ngoại khóa, các em học sinh được tham quan, học tập trải nghiệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Tại đây, các em đã được giới thiệu về các dấu tích lịch sử thời đại Hùng Vương, về Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lịch sử hình thành các ngôi đền... Chương trình ngoại khóa giúp học sinh nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ đó có ý thức và những việc làm đúng đắn, thiết thực để bảo vệ, phát huy giá trị của Tín ngưỡng trên quê hương Đất Tổ.

Giáo viên Trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì truyền dạy Hát Xoan cho học sinh.

Để lan tỏa Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; quảng bá giá trị nổi bật của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên truyền thông nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh; nâng cao nhận thức, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa của người dân và khách du lịch. Phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, thống kê số liệu chuyên ngành di sản, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương...

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/dua-hat-xoan-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-vao-truong-hoc/209588.htm