Du khách hào hứng trải nghiệm nhạc cụ Tây Nguyên

Đến với chương trình 'Sắc màu văn hóa Gia Lai' diễn ra hai tháng cuối năm nay, người dân và du khách được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm một số loại nhạc cụ làm từ tre nứa như đàn t'rưng, klông put, klek klok…

"Sắc màu văn hóa Gia Lai" là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức mỗi sáng chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng Gia Lai nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đồng thời tạo thêm địa điểm vui chơi, trải nghiệm để thúc đẩy du lịch địa phương.

Mỗi tuần có một đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn sắc màu văn hóa của dân tộc mình, tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày, như đan lát, dệt vải, tạc tượng, giã gạo, hát kể sử thi, biểu diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian; chế biến ẩm thực.

"Ngày nay nhiều lễ hội đang dần bị phai nhạt nên thông qua chương trình đều đặn hàng tuần này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các nghệ nhân duy trì được nhiều hơn bản sắc văn hóa cộng đồng mình, qua đó thu hút nhiều du khách đến tham quan", chị Nguyễn Thị Thúy Phương (Phòng Quản lý văn hóa Gia Lai) chia sẻ.

Trong ảnh, đoàn 50 nghệ nhân Jrai của xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) tham gia trình diễn cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian, chế biến ẩm thực truyền thống.

Trước đây cồng chiêng chỉ được biểu diễn tại các lễ hội của làng. Ngày nay, khi có những chương trình như thế này, nhiều khán giả đến với Tây Nguyên hơn. Các nghệ nhân đều rất vui mừng và luôn cố gắng cùng nhau luyện tập.

Nhiều người dân và du khách hào hứng theo dõi các nghệ nhân biểu diễn.

Họ còn được nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm các loại nhạc cụ làm từ tre nứa như đàn t’rưng, klông put, klek klok…

Chị Lê Thị Lý (Gia Lai) hào hứng tìm hiểu về đàn đing pah. "Tôi rất thích âm thanh cồng chiêng, âm thanh của quê hương mình. Tôi sẽ rủ thêm bạn bè mình từ các tỉnh khác tới đây để được tham gia hoạt động văn hóa đặc sắc này", chị nói.

"Hôm nay tôi đưa cả nhà tới tham gia chương trình để hiểu hơn về văn hóa lịch sử của Tây Nguyên. Đây là hoạt động hết sức bổ ích và nhân văn. Chắc chắc tuần nào chúng tôi cũng sẽ tham gia", anh Nguyễn Hoài Nam (Pleiku) tâm sự.

Nhiều hoạt động trò chơi dân gian trong khuôn viên xanh mát được các gia đình hào hứng tham gia.

Bên cạnh chương trình dân ca, trình diễn cồng chiêng, người dân và du khách có thể trải nghiệm văn hóa ẩm thực người bản địa trong đó phải kể đến món cơm lam gà nướng.

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai, việc tổ chức các nội dung hoạt động văn hóa thiết thực này nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thông tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 của tỉnh.

“Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần từ tháng 10 - 12 năm nay.

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-khach-hao-hung-trai-nghiem-nhac-cu-tay-nguyen-2207891.html