Du khách giẫm đạp san hô khi ra biển Nha Trang mò cua, bắt ốc

Du khách có thể bị phạt số tiền lên đến 100 triệu đồng nếu tham gia mò cua, bắt cá, giẫm đạp lên san hô tại khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất, thông tin từ Ban Quản lý vịnh Nha Trang.

Người dân lội ra khu vực xa bờ, nơi thủy triều rút để lộ thảm cỏ biển, san hô, để mò cua, bắt cá. Ảnh: Ban Quản lý vịnh Nha Trang.

Vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, từ khoảng 16h đến khi trời chập tối tại bãi biển Nha Trang đoạn Hòn Chồng - Đặng Tất, thủy triều rút để lộ thảm cỏ biển, cụm san hô mới mọc và san hô gần bờ.

Nhiều người dân, du khách, trẻ em tò mò đã lội xuống khu vực này để mò cua, bắt cá và các loại thủy sản khác... gây giẫm đạp, tác động đến hệ sinh thái rạn san hô.

Liên quan đến sự việc nêu trên, lãnh đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết đơn vị được sự chỉ đạo của UBND TP Nha Trang yêu cầu người dân, du khách không xâm phạm đến hệ sinh thái biển, san hô khu vực này.

Mọi hành vi vi phạm sẽ bị lập biên bản và phạt tiền 50-100 triệu đồng, căn cứ vào Điểm b, Khoản 1, Điều 6 trong Nghị định số 38/2024/NĐ-CP do Chính phủ công bố về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Người dân, du khách chỉ được phép vui chơi, tắm biển trong khu vực quy định.

Thủy triều rút nước để lộ đá và rạn san hô gần bờ tại khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất. Ảnh: Ban Quản lý vịnh Nha Trang.

Theo thông tin từ Ban quản lý, khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất có khoảng 4,8 ha diện tích san hô đang phát triển tốt. Độ phủ san hô tạo rạn trung bình toàn vùng 32,4%, có sự đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn đang trong thời gian phục hồi khoảng 5-10 năm tuổi. Trong đó, đã xác định được tổng số 62 loài san hô thuộc 12 họ tại khu vực giám sát và ghi nhận được 24 họ và 43 loài cá rạn sinh sống.

Từng chia sẻ với Tri Thức - Znews về kế hoạch bảo tồn hệ sinh thái vịnh Nha Trang năm 2024, đại diện Ban quản lý cho biết đơn vị sẽ thực hiện đề tài thả rạn nhân tạo phía Tây Nam Hòn Mun và các khu vực có hệ sinh thái đặc trưng, giá trị có nguy cơ cao bị tác động bởi sóng ngầm trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Ngoài ra, đơn vị còn phát triển các bãi giống, bãi đẻ mới tại khu vực Sông Lô - Cù Hin và Hòn Lao - Lương Sơn nhằm tăng hiệu quả phục hồi nguồn lợi, giảm áp lực khai thác đối với các hệ sinh thái hiện có trong vịnh Nha Trang.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/du-khach-giam-dap-san-ho-khi-ra-bien-nha-trang-mo-cua-bat-oc-post1473831.html