Đồng Tháp hướng đến phát triển nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững

Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, với nền tảng và động lực mới, Đồng Tháp ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các nước Tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước.

Phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng, tích cực

Trong thời gian qua, Đồng Tháp đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng và đạt trên 110.800 tỷ đồng. Xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Có 19/22 chỉ tiêu đạt và 7/22 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch, GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,31 triệu đồng (tương đương 2.912 USD); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.151 tỷ đồng; có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 70.271 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,04% kế hoạch; Giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thủy sản ước đạt 49.478 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,56% so với năm 2022 (tương ứng tăng 2.178 tỷ đồng), bằng 100,7% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14%.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trao đổi cùng Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi về tài liệu kêu gọi đầu tư.

Ngành du lịch tăng trưởng khả quan, ước tính cả năm 2023 thu hút 4 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2022, bằng 105,26% kế hoạch, tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2022, đạt 105,55% kế hoạch.

Trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 (hơn 3 triệu tấn mỗi năm); diện tích trồng xoài xếp thứ nhất (khoảng 14.000 ha, sản lượng 137.000 tấn); sản lượng cá tra xếp thứ nhất (trên 500.000 tấn, xuất khẩu sang 134 quốc gia, kim ngạch khoảng 900 triệu USD), bên cạnh các chuỗi ngành hàng hiệu quả (cá tra, hoa cảnh, sen..). Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm. Có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 94,78% số xã.

Đồng Tháp đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đang thực hiện các thủ tục trình phê duyệt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tăng mạnh (33,7%). Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 50,38%; tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia được thúc đẩy; đã khởi công, khẩn trương thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 (bàn giao mặt bằng đạt trên 95,5%); triển khai dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự giai đoạn 3...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (phải), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (trái) trao đổi với Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh Ono Masuo.

Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (đạt 73,92%); thúc đẩy chuyển đổi số và điều hành thông minh; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI năm 2022 xếp 5/63 tỉnh thành). Đồng Tháp tăng cường các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh với nhiều mô hình phong phú; triển khai xây dựng Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tính đến ngày 27/11/2023, có 11 dự án được chấp thuận về chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư 6.341 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch (so với cùng kỳ năm 2022, thu hút 18 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.314 tỷ đồng), trong đó, có 03 dự án FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 437 tỷ đồng.

Đồng Tháp đã tích cực triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, với nền tảng và động lực mới, Đồng Tháp ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước Tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước; tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế như thủy sản, trái cây, lúa gạo…; trở thành một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện và ông Kim Deok Hyun - Chủ tịch huyện Yeoncheon trao Biên bản ghi nhớ.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại

Kể từ Hội nghị Ngoai giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ 20 vào tháng 12/2021, công tác đối ngoại tiếp tục được Đồng Tháp quan tâm đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tỉnh tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác truyền thống với tỉnh PreyVeng, Pursat, Banteay Meanchey (Campuchia); tỉnh Salavan, Champasak (Lào); huyện Cherwon, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc), trong năm 2023, Tỉnh đã chủ động đàm phán, ký kết hợp tác với huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

Ngoài ra, thông qua Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Tỉnh đăng cai tổ chức Hội nghị Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp; Hội nghị Hợp tác đầu tư thương mại giữa Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản (tháng 11/2023); Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình Đồng hành cùng phát triển” lần thứ nhất; Tuần Văn hóa Campuchia tại tỉnh Đồng Tháp…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng tại Đồng Tháp.

Thông qua các sự kiện, Đồng Tháp quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào Đồng Tháp, từ đó, mở rộng không gian hợp tác thương mại và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Đồng Tháp với các đối tác ngoài nước trong khu vực và quốc tế.

Để đánh dấu một năm đầy ấp các sự kiện nổi bật, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ nhất năm 2023 diễn ra từ ngày 30/12/2023-5/1/2024, ngoài việc trưng bày 206.000 chậu hoa kiểng với 29 loài khác nhau làm “nhân vật chính”, Festival còn mang đến nhiều không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch trải nghiệm… thu hút du khách và nhà đầu tư đến tìm hiểu tình đất, tình hoa tại thủ phủ đất sen hồng Đồng Tháp.

Thành Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-thap-huong-den-phat-trien-nhanh-toan-dien-bao-trum-ben-vung-254244.html