Hiệp định thương mại tự do EVFTA chưa đạt kết quả như kỳ vọng?

Các doanh nghiệp châu Âu mong muốn phía Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi các cam kết, đặc biệt về lao động, công đoàn, dược phẩm, đăng kiểm ô tô nhập khẩu từ châu Âu hay phê duyệt những ngành hàng nông sản.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết vào ngày 30/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiệp định đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế cho Việt Nam cũng như Liên minh châu Âu, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và thách thức đến từ dịch bệnh COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài, xung đột địa chính trị phức tạp…

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Chính phủ và các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam đặc biệt lưu tâm đến tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam. Kết quả thực thi Hiệp định EVFTA đã được tổng kết, đánh giá định kỳ.

Theo báo cáo Đánh giá kết quả thực thi Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam do CIEM công bố tháng 10/2023, sau 3 năm thực hiện, tác động của EVFTA đối với kinh tế Việt Nam thể hiện rõ trong thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” sáng nay (21/5).

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” sáng nay (21/5).

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, kết quả này chưa chạm ngưỡng kỳ vọng. Tại hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam tổ chức sáng nay (21/5), TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế VIDS cho biết, là một trong những người trực tiếp soạn thảo báo cáo trình Chính phủ về đánh giá tác động của hiệp định thời điểm trước khi ký kết và sau COVID-19, ông cũng như các đồng nghiệp nhận thấy hiệp định mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU.

“Chúng tôi kỳ vọng vào sự bùng nổ thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam - EU sau hiệp định, nhưng thực tế không được như kỳ vọng. Điều này có thể xuất phát từ những nguyên do như ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng có thể có những nguyên nhân khác từ góc độ, tầm nhìn, đánh giá từ các doanh nghiệp EU”, ông Thắng cho rằng có thể có những cản lực khiến hiệp định chưa đạt được kết quả xứng tầm.

Về vấn đề này, bà Đào Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) nhận định, “kỳ tích” trong quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thời gian qua đã là minh chứng rõ rệt cho sự thành công của hiệp định thương mại tự do EVFTA.

“Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 50% trong vòng 4 năm qua. Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hơn các ngành hàng máy móc, trang thiết bị, nguyên phụ kiện dệt may từ Châu Âu với mức tăng trưởng 35 - 40%.

Chính hiệp định EVFTA đã đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong khu vực. Việt Nam cũng là đối tác cung ứng hàng hóa lớn nhất của Đức trong khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, hơn 1.500 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động hiệu quả tại thị trường Việt Nam. Cứ 3 doanh nghiệp châu Âu thì có một doanh nghiệp Đức. Họ đang đóng góp cho sự phát triển không chỉ là về kinh tế, xã hội mà còn về nguồn nhân lực cho Việt Nam một cách bền vững”, bà Trang cho hay.

Trước câu hỏi làm sao để cả doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA, vị lãnh đạo AHK cho biết, từ góc độ của các doanh nghiệp châu Âu, họ đã thấy được vai trò quan trọng của hiệp định trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - châu Âu và rất mong muốn đầu tư kinh doanh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn phía Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi các cam kết, đặc biệt về lao động, công đoàn, dược phẩm, đăng kiểm ô tô nhập khẩu từ châu Âu hay phê duyệt những ngành hàng nông sản từ châu Âu.

“Chúng tôi nghĩ rằng, với Việt Nam thì châu Âu là đối tác đáng tin cậy, họ sẽ luôn coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam, mong muốn hợp tác cùng phát triển”, bà Trang cho hay.

Châu Âu muốn hợp tác với rất nhiều quốc gia trong đó có các quốc gia Đông Nam Á để giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia cụ thể. Do đó, đa phương hóa và đa dạng hóa là những nội dung mà các quốc gia cũng như doanh nghiệp châu Âu rất coi trọng. Ngoài ra, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân,... là những nội dung châu Âu coi trọng và mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam và Đông Nam Á.

Châu Âu là một trong 3 khu vực kinh tế lớn nhất thế giới với rất nhiều lợi thế như quy mô 450 triệu dân, sở hữu một thị trường chung châu Âu tiềm năng, nhiều tập đoàn lớn về hóa chất, hàng không, ô tô… Tuy nhiên trong một thế giới biến đổi khó lường, vẫn có những hạn chế, suy giảm nhất định trong nền kinh tế của châu Âu do rất nhiều tác động như COVID-19, biến đổi địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine.

Chính bản thân châu Âu cũng có nhiều vấn đề trong nội khối như dân số già, người dân thích giảm giờ làm - tăng lương, sức mua và nhu cầu yếu dần, đầu tư thấp (mức độ đầu tư của Mỹ tăng 8% từ 2019 đến nay trong khi châu Âu chỉ tăng 4%), giá năng lượng cao. Các yếu tố đó dẫn tới thu hút đầu tư ngay tại châu Âu cũng gặp rất nhiều vấn đề.

Ngoài ra, những ngành quan trọng đóng góp cho sự phát triển lâu dài, đảm bảo an ninh kinh tế của châu Âu như viễn thông, IT, AI, tài chính cũng đang bị phân tán rất nhiều.

“Các quốc gia châu Âu cũng đang có những vấn đề của riêng họ. Họ cũng đang thực hiện những giải pháp để khắc phục, để lấy lại vị thế cạnh tranh, giúp cho doanh nghiệp châu Âu cạnh tranh hơn trên bản đồ kinh tế thế giới”, bà Trang chia sẻ thêm.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-evfta-chua-dat-ket-qua-nhu-ky-vong-1099919.html