Đông Nam bộ đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng phát triển kinh tế đầu tàu của cả nước, có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai nên thuộc tốp đầu cả nước thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Nông dân H.Cẩm Mỹ ứng dụng máy bay không người lái phun phân, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây. Ảnh: B.Nguyên

Phát triển nông nghiệp CNC là một trong những nhiệm vụ đột phá của Đồng Nai. Tỉnh không chỉ thu hút mạnh đầu tư CNC vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt mà đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xác định quy hoạch 8 vùng sản xuất nông nghiệp CNC với diện tích 6,5 ngàn ha.

* Thu hút đầu tư nông nghiệp CNC

Theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phấn đấu ĐNB trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm KH-CN và đổi mới sáng tạo, công nghiệp CNC, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”.

Mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực nông nghiệp là đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các tỉnh ĐNB cũng có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nông nghiệp CNC. Các mô hình nông nghiệp CNC không ngừng được nhân rộng, không chỉ do các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư mà còn có nhiều mô hình hay của HTX, chủ trang trại đến nông hộ.

Nổi bật trong đó là ngành chăn nuôi của vùng phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng, phương thức tổ chức sản xuất, nhiều nơi khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ và trở thành ngành sản xuất hàng hóa. ĐNB đang đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ thị trường trong nước và mở ra cơ hội đẩy mạnh về thị trường xuất khẩu.

Trong vùng ĐNB, Đồng Nai là tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả xây dựng các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh có 657 cơ sở an toàn dịch bệnh, duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng công nghiệp, quy mô lớn với khoảng 90% tổng đàn là chăn nuôi trang trại. Các trang trại đều ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn. Tỉnh đã xây dựng thành công chuỗi liên kết chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu thịt gà vào thị trường khó tính Nhật Bản và đang tập trung xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, nông nghiệp CNC là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh. Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Tại hội nghị giao ban KH-CN vùng ĐNB do Bộ KH-CN tổ chức vào tháng 11-2023, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định đánh giá cao các địa phương khu vực ĐNB trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Sự tăng trưởng này phản ánh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển CNC, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi trong sự phát triển thành công của nông nghiệp CNC vùng ĐNB. Lợi thế của vùng là có nguồn lao động dồi dào, có chuyên môn cả trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Sự phát triển kinh tế năng động càng tạo điều kiện cho vùng có được nguồn tài nguyên chất xám lớn. Họ được tiếp xúc với các máy móc kỹ thuật hiện đại, từ đó mở mang tay nghề và nâng cao trình độ chuyên môn.

Đồng Nai là một trong 8 tỉnh, thành phố được Bộ NN-PTNT chọn triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Nguyễn Trường Giang, từ năm 2020, tỉnh triển khai 2 dự án là quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật. Qua đó, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

* Phát triển sản xuất lớn về cây ăn trái

Trong đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 của Bộ NN-PTNT có 14 loại cây chủ lực gồm: thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít... ĐNB có nhiều thế mạnh phát triển nhiều loại cây chủ lực trên; đặc biệt, với các loại cây trồng thuộc tốp đầu về lợi nhuận kinh tế hiện nay như sầu riêng, chuối cấy mô.

Trong đó, với tổng diện tích cây ăn trái hơn 76,7 ngàn ha, Đồng Nai có nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Cụ thể, Đồng Nai có diện tích trồng chuối xuất khẩu đứng đầu cả nước với tổng diện tích trồng chuối đạt hơn 14 ngàn ha. Với gần 12 ngàn ha sầu riêng, Đồng Nai đứng thứ tư cả nước về diện tích cây trồng này. Năm 2023 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc xuất khẩu chính ngạch trái cây tươi của Đồng Nai cả về lượng và chất. Chỉ riêng tổng sản lượng xuất khẩu chuối và sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt 168,5 ngàn tấn, giá trị đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh đánh giá, có được kết quả ấn tượng về xuất khẩu trái cây tươi nhờ Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Quan trọng, doanh nghiệp đã hợp tác, gắn kết với HTX, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.

Các tỉnh, thành trong vùng ĐNB cũng đi đầu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại hội nghị giao ban KH-CN vùng ĐNB, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp số Bình Phước Đặng Dương Minh Hoàng cho biết, đơn vị đã phối hợp nhà khoa học các trường đại học phát triển một số ứng dụng số phục vụ phát triển nông nghiệp. Nhóm chuyên gia xây dựng phần mềm số hóa vườn cây, hỗ trợ 5 ngôn ngữ khác nhau. Mỗi cây được định danh, cập nhật thông tin hoạt động chăm sóc, bón phân, tưới nước, vận chuyển... giúp truy xuất nguồn gốc. Đơn vị xây dựng hệ thống tưới tự động sử dụng các cảm biến, phân tích đưa ra tín hiệu chuyển đến bộ điều khiển tính toán lượng nước, phân bón phù hợp cho cây. HTX phối hợp với nhà nghiên cứu phát triển công nghệ nano-silica, sử dụng tro, trấu giúp tăng cường sự phát triển của cây. Công nghệ máy bay không người lái và mô hình trí tuệ nhân tạo được ứng dụng giúp phát hiện, đánh giá về hướng chữa trị bệnh cho cây.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202401/dong-nam-bo-di-dau-trong-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-e1451cd/