Động lực, thách thức và cơ hội trên hành trình mới

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vừa được công nhận bệnh viện hạng I. Đây là cột mốc to lớn trên chặng đường hơn 20 năm nỗ lực không ngừng, và cũng là tiền đề để bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển, nâng cao vị thế.

Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc

Báo Phú Yên phỏng vấn Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế về những trọng tâm mà Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cần thực hiện trên hành trình tiếp theo. Bác sĩ Mộng Ngọc cho biết:

- Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được công nhận bệnh viện hạng I là kết quả một quá trình phấn đấu của bao thế hệ thầy thuốc từ năm 1997 đến nay. Đây là sự công nhận những nỗ lực của các thế hệ thầy thuốc, đồng thời cũng là động lực khích lệ đội ngũ thầy thuốc hiện nay tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phục vụ với chất lượng cao nhất và toàn diện cho người bệnh trong thời gian đến.

Để xứng đáng với sự công nhận này cũng như vươn tới những tầm cao hơn của sự phát triển y học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cần tiếp tục nỗ lực trên nhiều lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, có đủ để bố trí giường bệnh; đồng thời cần được đầu tư trang thiết bị y tế để triển khai các dịch vụ kỹ thuật cơ bản cũng như nâng cao.

Quan trọng nhất vẫn là con người. Bệnh viện xây dựng kế hoạch đào tạo để nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật đã và đang triển khai, phát triển thêm những dịch vụ kỹ thuật mới.

Đây là một quá trình chứ không phải một sớm một chiều, do đó bệnh viện cần xây dựng kế hoạch phù hợp với nguồn lực của mình, nếu không thì sẽ không thực hiện được. Bởi bệnh viện vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày trong khi còn thiếu nhân lực, nhất là nhân lực bác sĩ. Do đó, bệnh viện cần có định hướng rõ ràng, có kế hoạch cụ thể cho tương lai.

Mặt khác, đơn vị cũng phải tiếp tục tranh thủ sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên để sớm triển khai các dịch vụ kỹ thuật mũi nhọn, đặc biệt là những dịch vụ kỹ thuật phục vụ cấp cứu bệnh nhân, như trước đây đã triển khai được tim mạch can thiệp, ngoại thần kinh - đặc biệt là phẫu thuật chấn thương sọ não, điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết... Đó là những dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực cấp cứu; chúng ta ưu tiên đầu tư phát triển mảng này trước để hạn chế tỉ lệ tử vong.

Trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật này, tiếp tục cử y bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên, đồng thời tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật...

Muốn đạt được trình độ chuyên sâu ở những lĩnh vực này cần có thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tiễn qua các ca lâm sàng khó. Ở tuyến trên, khi gặp những ca lâm sàng khó, phức tạp, các chuyên gia trực tiếp thực hiện, và những người mà chúng ta cử đi đào tạo sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm cũng như thực hành.

Mặt khác, khi chuyên gia đến địa phương để tiếp tục chuyển giao kỹ thuật, có thầy cô ở bên cạnh, ê kíp của chúng ta sẽ mạnh dạn, tự tin làm những ca khó và sẽ xử lý được các tình huống rủi ro nếu có. Cho nên vẫn phải song song thực hiện các giải pháp đó.

Một ca phẫu thuật thay khớp gối đuợc thực hiện tại Bệnh viện Ða khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

* Riêng điều trị đột quỵ thì sao, thưa bà?

- Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã triển khai điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết. Trong thời gian tới, bệnh viện cần phải triển khai can thiệp mạch não.

Khi điều trị nội khoa bằng thuốc tiêu sợi huyết không mang lại kết quả, hay có những trường hợp nhồi máu não không thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết thì chúng ta triển khai can thiệp mạch não ngay để tranh thủ được thời gian vàng. Như vậy tỉ lệ thành công mới cao hơn, giúp người bệnh tránh được di chứng hoặc tử vong do tắc mạch máu não.

* Tim mạch can thiệp là một trong những minh chứng của việc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận và triển khai tốt kỹ thuật mới, ở bước đầu. Cần phải làm gì nhằm nâng cao tay nghề, để ê kíp can thiệp có thể thực hiện đạt hiệu quả những ca can thiệp mạch vành phức tạp, mạn tính, thưa bác sĩ?

- Trên lĩnh vực tim mạch can thiệp, chúng ta đã làm được bước cơ bản, can thiệp những tổn thương tương đối đơn giản. Tuy nhiên, ở một số người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, có bệnh nền, bệnh mạn tính đi kèm, tổn thương mạch vành thường rất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ năng và hiểu biết về các bệnh lý mạn tính.

Do đó, bác sĩ can thiệp buộc phải tiếp tục trau dồi, nâng cao chuyên môn tại các bệnh viện chuyên sâu trong lĩnh vực này. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành tại những bệnh viện lớn - nơi có đông bệnh nhân, có nhiều ca phức tạp - bác sĩ của chúng ta sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy thêm kiến thức và trau dồi kỹ năng để sau khi trở về địa phương là có thể đối diện với các ca lâm sàng khó.

Mặt khác, để có thể can thiệp đạt hiệu quả các ca khó, chúng ta cũng phải tiếp tục ký hợp đồng với các bệnh viện tuyến trên để tiếp nhận kỹ thuật. Vì trong giai đoạn đầu thực hiện các ca can thiệp khó, ê kíp của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phải thực hiện dưới sự giám sát của các thầy; ê kíp sẽ tự tin hơn và có thể xử lý được những tình huống phức tạp có thể phát sinh.

* Thời gian qua, ngành Y tế Phú Yên nói chung, các bệnh viện nói riêng đã nỗ lực rất nhiều nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn có tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”. Nhiều trường hợp, bệnh viện tại Phú Yên hoàn toàn có thể xử trí được nhưng người dân vẫn đưa bệnh nhân ra Bình Định, vào Khánh Hòa hoặc vào TP Hồ Chí Minh điều trị. Bà nói gì về thực tế này?

- Kiến thức cũng như khả năng học hỏi của y bác sĩ ở Phú Yên không thua kém đồng nghiệp ở các đơn vị bạn trên cả nước. Thực tiễn cho thấy có những bác sĩ từ Phú Yên chuyển công tác đến các địa phương khác đã thể hiện tài năng và tỏa sáng.

Tôi cho rằng đội ngũ thầy thuốc ở Phú Yên hoàn toàn có thể tự tin về năng lực của mình, đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chuyên môn. Đó là điều tiên quyết nhất bởi y học phát triển không ngừng; nếu chúng ta dừng, tạm dừng thì trở nên lạc hậu. Cho nên chúng ta cần phải trau dồi kiến thức và kỹ năng, không chỉ trau dồi kỹ năng chuyên môn mà còn trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Thời gian qua, công tác thông tin truyền thông của ngành Y tế Phú Yên nói chung có mặt còn hạn chế. Chúng ta làm được rất nhiều nhưng khả năng truyền tải thông tin đến người dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số người bệnh chưa hiểu được bệnh tật của họ cũng như khả năng của các bệnh viện ở Phú Yên.

Vì vậy, chúng ta tiếp tục truyền thông để cộng đồng hiểu được sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà, để họ yên tâm điều trị tại địa phương. Bởi trên thực tế, nhiều khi sự lựa chọn chuyển tuyến trong thời điểm không phù hợp đã cướp mất cơ hội sống còn của người bệnh; trong quá trình chuyển viện đã đánh mất thời gian vàng để xử trí, có thể cứu sống hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

YÊN LAN (thc hin)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/313849/dong-luc-thach-thuc-va-co-hoi-tren-hanh-trinh-moi.html