Động lực cho tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ trong năm 2024

Vào cuối năm 2023, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã đạt được sự gia tăng đáng kể trong thanh toán xuyên biên giới, đánh dấu bước chuyển mình đáng kể khỏi thị phần thanh toán toàn cầu. Sự kết hợp của nhiều yếu tố đang giúp đồng NDT trở thành đồng tiền dẫn đầu trong bối cảnh tài chính quốc tế đang thay đổi.

Nguồn: SCMP

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của mình vào năm 2004, tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán toàn cầu chỉ dao động quanh mức 1,9%. Tuy nhiên, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, con số này đã tăng vọt lên 3,6% vào tháng 10 năm nay - và các chuyên gia tài chính dự đoán xu hướng này sẽ còn đạt được nhiều động lực hơn nữa trong năm 2024.

Các quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng NDT

Trong năm qua, đã có nhiều quốc gia đẩy mạnh sử dụng NDT trong các giao dịch thanh toán quốc tế, từ dầu khí cho tới nhà máy điện hạt nhân.

Nga: số liệu mới nhất từ Bộ Phát triển kinh tế Nga cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, 75% kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc được thanh toán bằng đồng NDT. Cùng giai đoạn này, tỷ trọng đồng NDT trong các khoản thanh toán giữa Nga và các đối tác khác ngoài Trung Quốc cũng tăng lên, chạm mức 25%.

Cũng theo Bộ Phát triển kinh tế Nga, trong nửa đầu năm 2023, khối lượng giao dịch hằng ngày của "cặp đôi" Rúp - NDT trên sàn giao dịch Moscow chạm mốc 2 tỷ USD, tăng gấp 100 lần kể từ đầu năm 2022.

Ảrập Xêút: từ tháng 3 năm nay, nhiều nguồn tin cho biết, Ảrập Xêút đang cân nhắc chấp nhận đồng NDT để thay thế USD trong giao dịch dầu mỏ. Thông tin này được đưa ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.2022. Trung Quốc cũng cho biết, nền tảng sàn giao dịch xăng dầu và khí đốt tự nhiên Thượng Hải cũng thúc đẩy sử dụng triệt để đồng NDT trong các giao dịch.

Argentina: tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã "cứu nguy" cho Argentina - quốc gia vỡ nợ hàng loạt - khi giúp nước này dùng đồng NDT để hoàn trả một nửa phần trả góp trị giá 2,7 tỷ USD khoản vay khẩn cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mục đích là để quốc gia Mỹ Latin có thể tiết kiệm một phần kho dự trữ “đồng bạc xanh” của mình.

Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng, Argentina sử dụng đồng NDT để thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chính phủ Argentina tỏ ra hài lòng đến mức quyết định tăng cường thỏa thuận nói trên bằng cách thanh toán cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng NDT.

Brazil: đã bắt đầu sử dụng NDT trong giao dịch thương mại và đầu tư với một thỏa thuận giữa Ngân hàng Trung ương nước này và BPOC hồi tháng 2. Brazil cũng chỉ định một ngân hàng thanh toán bù trừ NDT và sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc từ hồi đầu năm 2023. Tính tới cuối năm 2022, tài sản ngoại hối bằng đồng NDT của Brazil đạt tỷ trọng 5,37%, vượt qua tài sản ngoại hối bằng đồng Euro vươn lên vị trí thứ hai.

Bangladesh: theo thông tin đưa ra vào tháng 4.2023 của một quan chức Chính phủ Bangladesh, nước này và Nga đã đạt thỏa thuận sử dụng đồng NDT để thanh toán cho một nhà máy điện hạt nhân mà Moscow đang xây dựng tại quốc gia Nam Á. Bangladesh không thể thanh toán cho Nga bằng đồng USD sau khi các ngân hàng của Nga bị loại hỏi Hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT vào năm ngoái. Do đó, giao dịch thanh toán bằng đồng NDT thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) - hệ thống do Trung Quốc phát triển vào năm 2015.

Pakistan: ngày 12.6, Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik cho biết, nước này đã thanh toán tiền mua lô dầu thô giảm giá đầu tiên từ Nga với một lô hàng thử nghiệm 750.000 thùng bằng đồng NDT của Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách thanh toán của Pakistan vốn do đồng USD chi phối.

Iraq: tháng 2.2023, Ngân hàng Trung ương Iraq (CBI) đã cho phép thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khu vực tư nhân bằng đồng NDT và CBI sẽ cung cấp NDT cho các nhà băng tại Iraq để thanh toán cho các ngân hàng Trung Quốc. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên hàng nhập khẩu Trung Quốc được giao dịch bằng NDT, sau thời gian dài Iraq chỉ phụ thuộc vào đồng USD.

Thái Lan: hồi tháng 4.2023, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (BPOC) đã có các cuộc thảo luận nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng đồng Baht và NDT trong giao dịch thương mại song phương. Trước đó, hai nước đã gia hạn Hợp đồng Hoán đổi tiền tệ song phương nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng đồng nội tệ của hai bên.

Động lực cho năm 2024

Một trong những chất xúc tác chính đằng sau quá trình quốc tế hóa nhanh chóng của đồng NDT là bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Trong những năm gần đây, căng thẳng địa chính trị gia tăng, buộc các quốc gia và doanh nghiệp phải đa dạng hóa việc nắm giữ và giao dịch tiền tệ.

Trước sự leo thang của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau cuộc chiến Ukraine vào năm 2022 và căng thẳng ngày càng gia tăng với Mỹ trong nhiều vấn đề, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào đồng dollar Mỹ và các loại tiền tệ khác của Nhóm G7.

Những biện pháp trừng phạt này dường như đã thúc đẩy các quốc gia khác sử dụng đồng NDT để thanh toán thương mại. Sự chuẩn bị của Trung Quốc với việc thúc đẩy Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của riêng mình trong thời gian bắt đầu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc cũng đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT xuyên biên giới. Khi BRI mở rộng phạm vi hoạt động khắp các châu lục, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy quan hệ kinh tế, ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn thực hiện giao dịch bằng đồng NDT. Các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào các quốc gia đối tác, cùng chính sách để tạo điều kiện dễ dàng sử dụng đồng NDT cho thương mại trong khuôn khổ BRI, đã góp phần đáng kể làm nổi bật vai trò của đồng tiền này trên toàn cầu. Điều này đi đôi với cam kết của Trung Quốc về cải cách tài chính và tự do hóa thị trường. Việc mở cửa dần dần thị trường vốn của đất nước, cùng với nỗ lực giảm bớt các hạn chế đối với dòng vốn xuyên biên giới, đã củng cố niềm tin vào đồng NDT như một loại tiền tệ khả thi và ổn định trong các giao dịch quốc tế.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngày càng bị thu hút bởi những cơ hội mà thị trường Trung Quốc mang lại, điều này cũng là nhân tố thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong thanh toán toàn cầu.

Ngoài ra còn có cách tiếp cận chủ động để đổi mới tiền kỹ thuật số, điều này đang đóng một vai trò trong việc tăng cường sử dụng đồng NDT xuyên biên giới. Việc phát triển và thí điểm đồng NDT kỹ thuật số, loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), đã thu hút được sự chú ý của quốc tế.

Khi nhiều quốc gia khám phá khả năng áp dụng tiền tệ kỹ thuật số, đồng NDT, cùng với đồng tiền kỹ thuật số đang đi đầu trong quá trình phát triển loại hình tài chính này, đơn giản hóa các giao dịch và thanh toán thương mại xuyên biên giới.

Khi thế giới đang hướng tới năm 2024, những động lực trên sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố giúp đồng NDT trở thành đồng tiền dẫn đầu trong bối cảnh tài chính quốc tế đang thay đổi. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các quốc gia trên thế giới đang thích ứng với sự phát triển này, nhận ra những cơ hội và lợi ích do ảnh hưởng ngày càng tăng của đồng tiền Trung Quốc trong các giao dịch xuyên biên giới.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dong-luc-cho-tien-trinh-quoc-te-hoa-dong-nhan-dan-te-trong-nam-2024-i353892/