'Vua hàng hiệu' IPPG lãi gần 143 tỷ đồng, trả hết nợ trái phiếu

Trong năm 2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPPG báo lãi ròng gần 143 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời trả sạch nợ trái phiếu.

Theo BCTC năm 2023, IPPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) khá thấp dù đã tăng từ 2,97% lên 3,62%.

Tính đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của công ty đạt hơn 3.950 tỷ đồng, tăng 333 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức gần 0,18 lần, tương ứng nợ phải trả ở mức 710 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã không còn nợ trái phiếu. Tổng tài sản của công ty đạt 4.660 tỷ đồng.

 Lợi nhuận sau thuế của IPPG giai đoạn 2021 - 2023

Lợi nhuận sau thuế của IPPG giai đoạn 2021 - 2023

IPPG là một trong những tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn nhất Việt Nam được thành lập vào năm 1986, với quy mô 25.000 nhân viên, sở hữu 35 công ty thành viên và công ty liên doanh.

Tập đoàn IPPG thông qua 2 công ty thành viên ACFC và DAFC, tự hào là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam cho hơn 100 thương hiệu hàng cao cấp và xa xỉ. DAFC mang đến các thương hiệu đình đám như D&G, Versace, Rolex, Bvlgari, Burberry, Christian Louboutin..., trong khi ACFC chuyên cung cấp sản phẩm của Tommy Hilfiger, Levi’s, Nike, Mango, Calvin Klein…

Nắm quyền lãnh đạo Tập đoàn IPPG là ông Johnathan Hạnh Nguyễn với vai trò Chủ tịch HĐTV và vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên - giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Hai người con trai của họ - ông Louis Nguyễn và ông Phillip Nguyễn - lần lượt đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Phát triển kinh doanh và Phó tổng giám đốc Phát triển dự án.

 Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên

Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên

Vài năm gần đây, IPPG đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực hàng không, dịch vụ sân bay. IPPG cùng DAFC và ACFC hiện nắm giữ hơn 45% cổ phần của SASCO - Công ty dịch vụ hàng không lớn nhất nước.

Hoạt động kinh doanh phòng khách thương gia, hàng miễn thuế và thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay khu vực phía Nam đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra nguồn thu chủ yếu cho Sasco.

Bên cạnh đó, IPPG còn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 30% cổ phần của Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.

Mới đây, bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng tham gia vào HĐQT Sasco nơi ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang làm Chủ tịch HĐQT.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định: "Việc bà Thủy Tiên đại diện IPPG tham gia Sasco không phải nắm quyền điều hành mà muốn hỗ trợ Sasco nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển"

Vị lãnh đạo khẳng định Sasco và IPPG là "người nhà", cùng nhau phát triển và gặt hái thành công. Hiện nay, IPPG sở hữu 138 thương hiệu kinh doanh hàng miễn thuế, chiếm 40% thị phần và có mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác là công ty bán hàng miễn thuế lớn nhất thế giới.

Trong thời gian tới, IPPG sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều thương hiệu uy tín đến với Sasco, góp phần củng cố vị thế vững chắc cho cả hai doanh nghiệp.

Hiện nay, IPPG đang có vốn điều lệ 3.468 tỷ đồng. Đáng chú ý, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ nắm giữ vỏn vẹn 1% vốn điều lệ của IPPG. Trong khi đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên nắm giữ 59% và 2 con trai Louis Nguyễn cùng Philip Nguyễn mỗi người nắm giữ 20%.

Thảo Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/vua-hang-hieu-ippg-lai-gan-143-ty-dong-tra-het-no-trai-phieu-210762.html