Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới – Giá trị mới

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. 49 năm qua, kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, vựa lúa miền Tây liên tục có những bước chuyển mình, không chỉ bảo đảm lương thực cho cả nước, mà còn gia tăng xuất khẩu.

ĐBSCL bước đầu thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Từ đó, hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, giá trị mang lại cao, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Năm 1975, diện tích canh tác lúa vùng ĐBSCL mới chỉ có hơn 2 triệu ha, trong đó phần lớn là lúa ruộng một vụ, năng suất thấp, sản lượng từ 5-7 triệu tấn/năm. Đất nước thống nhất, nhưng hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề. Thời kỳ đó, có năm, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực.

Năm 2023 xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục về sản lượng, năng suất với kim ngạch xuất khẩu 4,78 tỷ USD

49 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năng suất lúa tại ĐBSCL từ 5-6 triệu tấn vào năm 1977, nay lên đến hơn 20 triệu tấn/năm. Hiện sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mang tính toàn cầu.

GS.TS Võ Tòng Xuân, người gắn cả cuộc đời mình với nông nghiệp ĐBSCL phân tích, khu vực này là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp cả vùng liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc.

“Từ đó mình mới thấy sự khác biệt của mình trong suốt quá trình làm về cây lúa, đã tiến tới một mức là tới đỉnh cao về chất lượng giống, đỉnh cao về giá, hơn của Thái Lan. Quá trình từ 1975 cho tới bây giờ, hành trình của cây lúa, hạt gạo tiến tới từ chỗ mà cứu đói rồi đưa vào xuất khẩu, bây giờ xuất khẩu gạo với giá cao” - GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện cho thấy, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của ĐBSCL. Đây là khu vực có tầm quan trọng trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước.

Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô 3 tấn xoài cát chu đầu tiên năm 2022 sang thị trường châu Âu

Bốn mũi nhọn kinh tế vùng là hạt gạo, con tôm, cá da trơn và trái cây đang không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây, mà còn ngày càng mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị, thương hiệu Việt Nam trên bản đồ hàng hóa quốc tế.

Là địa phương tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, những năm qua, Đồng Tháp đã từng bước nỗ lực, xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có trên 4.800 ha cây ăn trái được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, EU, Trung Quốc…

Những lô xoài đầu tiên đi Mỹ rồi đến Châu Âu đã đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất ở vùng đất sen hồng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phân tích, việc tập trung xuất khẩu vào một thị trường thông qua đường tiểu ngạch để rồi bị động, thua thiệt là bài học đắt giá. Chính điều này buộc chính quyền, doanh nghiệp, người dân nhìn nhận lại vấn đề một cách nghiêm túc nếu muốn phát triển bền vững. Trong đó, chính việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp tạo nên sức mạnh, giảm bớt canh tác tự phát và chuyển biến sâu sắc nhất là nhận thức của người dân chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

“Chủ trương là thực hiện liên kết, chính liên kết này tạo ra xây dựng cánh đồng lớn, phát huy được hợp tác xã rồi hội quán. Tạo ra sự liên kết này sẽ phá vỡ về mặt không gian hơn, cánh đồng lớn hơn để cho người dân cùng hợp tác sản xuất với giá thành mua chung, bán chung, thì giá thành giảm đi. Kết nối với thị trường, với các doanh nghiệp bao tiêu thì đảm bảo thu nhập cho người dân” - ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết.

Những sản phẩm nông sản vùng ĐBSCL đang được quốc tế quan tâm, đẩy mạnh xuất khẩu

Nhiều năm qua, khi nhắc đến lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cả trong nước và quốc tế biết ngay đến danh tiếng của các giống lúa thuộc dòng lúa thơm ST của kỹ sư Hồ Quang Cua ở tỉnh Sóc Trăng. Năm 1992, giống lúa ST đầu tiên ra đời đã thành công vang dội với mô hình luân canh tôm - lúa thuộc vùng nhiễm mặn theo mùa. Trong hành trình dài hơn 30 năm, từ thực nghiệm trên đồng ruộng, mở rộng vùng trồng, Kỹ sư Hồ Quang Cua - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và những cộng sự trong nhóm nghiên cứu đã tích lũy các ưu điểm, từng bước khẳng định giá trị hạt gạo ST trên thị trường.

“Việc ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới là sự kiện đáng tự hào của nhóm nghiên cứu và là dấu ấn thành công của nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, của cả vùng ĐBSCL trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Các sản phẩm gạo ST không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu mà còn tạo ra một phân khúc riêng của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sự đón nhận sản phẩm gạo Việt của bà con, người tiêu dùng là điều rất đáng mừng. Chúng tôi rất vui bởi sau bao năm công tác, nghiên cứu thì cuối cùng ước nguyện của việc sản phẩm gạo Việt được ưa chuộng rất lớn, rất mạnh. Ý thức dân tộc rất cao. Chúng tôi mong rằng trong thời gian sắp tới, VOV tiếp tục thông tin để mọi người dân đều cập nhật thông tin về sản phẩm có chất lượng cao, phát triển thị trường trong nước” - Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, nông dân ĐBSCL còn có cơ hội tăng thu nhập từ bán tín chỉ carbon

Tại ĐBSCL, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải.

Đặc biệt, Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững. Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL kỳ vọng sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến toàn cầu cũng như ĐBSCL đang đứng trước những tác động như: Mực nước biển dâng, mặn xâm nhập, hạn hán, lũ lụt, triều cường, bồi lắng cửa sông… khu vực này cũng đang từng ngày, từng giờ chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Trước hiện trạng này, nhiều giải pháp đã được ban hành; từ sách lược của Đảng, Nhà nước với Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến những nghiên cứu chuyên gia, nhà khoa học, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, sự hợp tác của doanh nghiệp, sự chủ động người dân. Từ đó, biến thách thức thành cơ hội, thay đổi tư duy sản xuất, đưa ĐBSCL ngày càng phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” và đã đến lúc cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

“Trước sức ép thay đổi đó nếu chúng ta chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và là cơ hội để xây dựng hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Tại hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 là “Net – Zero” Việt Nam cam kết là nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu. Những thông điệp này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân và doanh nghiệp” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Mặc dù đã và đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhưng người dân ĐBSCL đã từng bước chủ động vượt qua thách thức và phát triển một cách hài hòa, thuận thiên. Sản xuất nông nghiệp của cả vùng đang đẩy nhanh quá trình thích ứng với xu thế thay đổi, xu hướng xanh hóa với toàn cầu. Từ đó, niềm tin vững chắc rằng, khát vọng vùng đất Chín Rồng với nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững" sẽ sớm được hiện thực hóa.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dong-bang-song-cuu-long-tu-duy-moi-gia-tri-moi-post1092150.vov