'Đơn thương, độc mã' tấn công Syria, Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp chỉ trích từ cộng đồng quốc tế

Bất chấp sự phản đối của hàng loạt quốc gia trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ dường như chẳng hề chùn bước trong chiến dịch tấn công quy mô và táo bạo này.

Thổ Nhĩ Kỳ biện minh thế nào về cuộc tấn công vào Đông Bắc Syria? (Nguồn: Getty Images)

Ngày 10/10, cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng Đông Bắc Syria bước sang ngày thứ hai. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã giành thắng lợi và quân đội của họ đã đẩy lùi phiến quân và tiến về phía Đông của Euphrates, đồng thời đã tiêu diệt được109 chiến binh địch, sẽ góp phần vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Theo Văn phòng Giám sát nhân quyền Syria, đến nay hơn 60.000 người đã trốn chạy kể từ khi cuộc tấn công quân sự bắt đầu. Hầu hết trong số họ đến từ các thị trấn biên giới Syria Ras al-Ain, Tal Abjad và Derbasije và hướng về phía Đông tới thành phố Hasake.

Về phần mình, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), liên minh chống Syria của các chiến binh chủ yếu là người Kurd, tuyên bố “sẵn sàng đối mặt với bất kỳ cuộc tấn công nào”.

Quốc tế phản đối

Cùng ngày 10/10, theo đề nghị của 5 nước châu Âu là Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Ba Lan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành họp kín khẩn cấp, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Syria. Trong tuyên bố riêng rẽ, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với hệ quả lớn nếu không bảo vệ số dân thường dễ bị tổn thương hay kiểm soát sự mở rộng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi hạ nhiệt xung đột và “các chiến dịch quân sự luôn phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật nhân đạo quốc tế”. Nhiều nước trên thế giới đã phản đối mạnh mẽ các cuộc tấn công ở Đông Bắc Syria và cảnh báo tình hình trong vùng sẽ xấu đi.

Trong tuyên bố trước đó ngày 9/10, Bộ Ngoại giao và Người nước ngoài Syria lên án Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng cuộc tấn công đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, vạch trần “tham vọng bành trướng” ở Syria và không thể được biện minh dưới bất kỳ lý do nào. Damascus cũng đổ lỗi cho phiến quân SDF do người Kurd lãnh đạo về tình hình hiện tại ở Đông Bắc Syria, cho rằng họ đã được cảnh báo không đặt cược vào sự hỗ trợ của Mỹ và không được trở thành công cụ phục vụ Mỹ.

Ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Ai Cập lên án mạnh mẽ sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lãnh thổ và chủ quyền của Syria, cảnh báo hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; kêu gọi thiết lập một cuộc họp khẩn cấp các quốc gia Liên đoàn Arab để thảo luận và xem xét các biện pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của người dân Syria.

Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne nêu đặc biệt quan ngại về những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ; cho rằng hành động này gây hậu quả nghiêm trọng với an ninh khu vực và dẫn tới sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo; đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế nhằm giảm căng thẳng; công nhận Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại an ninh quốc gia là chính đáng nhưng việc đơn phương sử dụng biện pháp quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề.

Tương tự, chính quyền Đan Mạch yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hoạt động quân sự ở Bắc Syria và kêu gọi EU, NATO có thông điệp rõ ràng rằng hành động của Tổng thống Ergodan là không thể chấp nhận được. Bộ trưởng Ngoại giao Jeppe Kofod tweet rằng cuộc tấn công “là quyết định sai lầm có thể đem lại những hiệu quả nghiêm trọng đối với thường dân và cuộc chiến chống lại IS”, cho biết Đan Mạch đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của mình và cho rằng Mỹ đã thiếu trách nhiệm khi để cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động như vậy.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde đã gọi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là vô trách nhiệm và là một tội ác đi ngược lại luật pháp quốc tế. Phần Lan kêu gọi kiên quyết chấm dứt chiến sự và ủng hộ tuyên bố của Đại diện cấp cao EU, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động quân sự. Chính phủ Phần Lan sẽ không cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các quốc gia khác tham gia chiến tranh.

Các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU tại Luxembourg vào 14/10. Tại cuộc họp, Phần Lan sẽ kêu gọi các nước có ý kiến về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, tác động của nó đối với người tị nạn trong khu vực và nhu cầu nhân đạo của Syria.

Tuy nhiên, trước đó, Hungary lại phủ quyết Tuyên bố của EU về hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Dự thảo Tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay lập tức hoạt động quân sự đơn phương của mình, cho rằng nó có thể khởi động làn sóng tị nạn khác. EU cũng tuyên bố rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây hại cho chiến dịch của liên minh toàn cầu chống lại Nhà nước Hồi giáo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên. Theo các nhà ngoại giao, EU cũng muốn từ chối kế hoạch di dời 1 triệu người của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Các nguồn tin ngoại giao cho biết dự thảo này dự kiến sẽ được ký vào sáng ngày 9/10 tuy nhiên đã vấp phải phủ quyết của Hungary. Các quan chức Hungary không đưa ra bất kỳ lý do nào cho quyền phủ quyết này. Quyết định của Hungary là không thể hiểu được đối với các quốc gia thành viên khác, và nhóm những người thất vọng với quyền phủ quyết trong các vấn đề đối ngoại của EU lại tiếp tục gia tăng.

Cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng Đông Bắc Syria bước sang ngày thứ ba. (Nguồn: Gett)

Có làm nên thay đổi?

Phản ứng đáp trả, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đe dọa sẽ mở cửa cho dòng người tỵ nạn tràn vào các bờ biển châu Âu nếu EU lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông kêu gọi EU không gọi hoạt động quân sự của nước này ở miền bắc Syria là một cuộc xâm lược. Phát biểu ngày 10/10, ông Erdogan nói “EU đang cố gắng miêu tả hoạt động của chúng tôi như một cuộc xâm lược, thì nhiệm vụ của chúng tôi rất đơn giản: chúng tôi sẽ mở cửa và 3,6 triệu người tỵ nạn sẽ đến với bạn”. Theo ông Erdogan, châu Âu chưa bao giờ nói sự thật. Ngoài ra, ông phản bác những lời chỉ trích từ Ai Cập và Saudi Arabia là không thành thật.

Iran được cho là có phản ứng tương đối nhẹ nhàng. Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố an ninh tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể được đảm bảo bởi Quân đội Syria. Iran và các quốc gia khác nên hỗ trợ cho sự hiện diện của Quân đội Syria bên cạnh người Kurd ở khu vực này đồng thời nhắc lại lời kêu gọi quân đội Mỹ nên rời khỏi Syria. Ông lưu ý rằng vấn đề chính không nằm ở khu vực phía Bắc Syria và phía Đông Euphrates mà là khu vực Idlib, nơi những kẻ khủng bố đã tập hợp. Ông bày tỏ hy vọng các nước trong khu vực sẽ hỗ trợ và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cẩn thận hơn trong vấn đề này để không phải đối mặt với một vấn đề mới trong khu vực.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (10/10) khẳng định Israel sẽ tự bảo vệ mình chống lại các mối đe dọa khu vực. Ông Netanyahu tránh đề cập trực tiếp đến quyết định của Mỹ rút khỏi Syria, thay vào đó tập trung nói về “nguồn gốc xâm lược hiện tại ở Trung Đông là Iran”; cáo buộc Cộng hòa Hồi giáo Iran “cố gắng thắt chặt sự kìm kẹp” đối với các nước trong khu vực, đề cập đến việc bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ và nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, “Iran đe dọa sẽ xóa sạch chúng tôi khỏi bản đồ thế giới... hết lần này đến lần khác, họ cố gắng tấn công chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải sẵn sàng bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm”.

Thế Việt

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-thuong-doc-ma-tan-cong-syria-tho-nhi-ky-bat-chap-chi-trich-tu-cong-dong-quoc-te-102570.html