Đổi thay từ Chương trình 1719 ở Giàng Chu Phìn

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình 1719, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân ở Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) đã có sự thay đổi rõ rệt.

Xã Giàng Chu Phìn là xã còn nhiều khó khăn của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Toàn xã, hiện có hơn 1.000 hộ, hơn 5.600 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 63,08%, trình độ dân trí còn hạn chế, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình 1719, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân có sự thay đổi rõ rệt.

Diện mạo mới của xã vùng cao Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, xã Giàng Chu Phìn được phân bổ hơn 7,1 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình 1719 năm 2022, 2023 được phân bổ hơn 3 tỷ đồng, đến nay, nguồn vốn đã giải ngân đạt 65,3%. Kết quả, xã đã triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 19 hộ với số kinh phí 836 triệu đồng. Đến nay, 19 ngôi nhà đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số nơi đây “an cư”.

Là hộ gia đình được thụ hưởng từ Chương trình này, ông Vàng Nỏ Lúa, sinh năm 1949, thôn Nia Do được hỗ trợ số tiền 44 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Ông Lúa vui mừng nói: “Tôi cũng lớn tuổi rồi, dành dụm mãi mà không đủ tiền để xây dựng ngôi nhà mới, may mắn được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, tôi có vay thêm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc 40 triệu, số còn lại gia đình dành dụm được và bà con hỗ trợ ngày công, Tết năm nay gia đình tôi có nhà mới để ăn Tết rồi”.

Ngôi nhà mới của ông Vàng Nỏ Lúa, thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Chị Mua Thị Và (sinh năm 1992) là người dân tộc Mông, tại thôn Hố Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phìn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, chị Mua Thị Và luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế, thoát cảnh nghèo khó.

Nhờ có sự tư vấn, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các ban, ngành, đoàn thể, gia đình chị đã quyết định phát triển kinh tế gia đình theo hướng chăn nuôi gia súc.

Ban đầu gia đình chị chỉ nuôi 1 con bò và vài con gia cầm để phục vụ gia đình; tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền và chị cũng nhận thấy chăn nuôi lợn sinh sản mang lại thu nhập cao nên đã quyết định nuôi thêm lợn thịt và lợn sinh sản.

Chị Và chia sẻ: “Lúc đầu có ít vốn nên vợ chồng tôi chỉ mua 1-2 con bò về nuôi vỗ béo một thời gian rồi bán. Sau một thời gian từ số tiền tích cóp gia đình đã đầu tư mua thêm 5-7 con bò vỗ béo. Ngoài ra, tôi quyết định nuôi thêm lợn”.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, chị trồng hơn 1ha cỏ, các loại rau và nấu rượu để có thêm phụ phẩm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, sạch sẽ, chuồng nuôi bò và lợn riêng biệt. Hiện gia đình chị nuôi duy trì thường xuyên khoảng hơn 20 con lợn và 4-5 con bò, ngoài ra chị còn nuôi thêm khoảng 40 con gia cầm các loại để phục vụ đời sống.

Nhờ áp dụng đúng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, thu nhập của gia đình chị ngày càng ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao, con cái được ăn học đầy đủ. Hằng năm, bình quân thu nhập từ các hoạt động kinh tế và công việc khác của gia đình chị đạt hơn 200 triệu đồng.

Chị Mua Thị Và chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Cũng từ nguồn vốn Chương trình 1719, xã đã thực hiện đổ bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại thôn Tràng Hương với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, xã thực hiện hỗ trợ người dân mua sắm công cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 81 hộ. Đối với Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, các hộ thụ hưởng đã tiến hành mua con giống; với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, xã triển khai xây dựng 2 nhà văn hóa cộng đồng thôn Há Đề và Hố Quáng Phìn, trong đó 1 nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 1 nhà hoàn thiện 80%.

Ông Nông Văn Ngay, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn cho biết: “Ngay khi được phân bổ nguồn vốn, chính quyền xã tăng cường thông tin, tuyên truyền về các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia tới toàn thể bà con trong xã nắm được. Khi thực hiện các hợp phần dự án chúng tôi đều tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, nhờ đó các nội dung triển khai đều được bà con đồng thuận cao. Nhiều dự án, hợp phần hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất đã giúp cho bà con trên địa bàn có nhà kiên cố để ở, cây con giống để phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông thuận tiện cho bà con đi lại…”.

Bà Hầu Thị Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mèo Vạc cho biết: Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt là hội viên phụ nữ DTTS, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tuyên truyền các nội dung trong Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, có nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế chủ yếu là chăn nuôi.

Để tạo điều kiện, động lực thúc đẩy hội viên phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện đến xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất. Các cấp Hội Phụ nữ còn tích cực phối hợp với các ngành liên quan mở lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên.

Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội; góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhờ triển khai đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, xã Giàng Chu Phìn được đánh giá là địa phương tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của huyện Mèo Vạc. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm hơn 6,6% so với năm 2022.

T.N

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-thay-tu-chuong-trinh-1719-o-giang-chu-phin-post277999.html