Đối ngoại nhân dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố

Đến nay, Đà Nẵng thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 47 địa phương của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 103 thỏa thuận được ký kết còn hiệu lực. Kết quả này có sự góp phần quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân. Qua đó, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Đà Nẵng với thế giới, tạo điều kiện tốt để phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố ký kết quy chế phối hợp thực hiện công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2029. Ảnh: T.P

Kết hợp chặt chẽ 3 trụ cột của đối ngoại

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn, để phát huy ngày càng tốt hơn phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố thống nhất ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2024-2029.

Quy chế phối hợp này là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa các chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân như Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 03/KL-MTTW-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đồng thời, đây cũng là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm Thành ủy giao Mặt trận thành phố thực hiện trong năm 2024.

Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Nguyễn Xuân Bình khẳng định, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phối hợp chặt chẽ sẽ tạo thành thế chân kiềng của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Đà Nẵng với bạn bè quốc tế; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thương mại, du lịch. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Nguyễn Ngọc Bình cho hay, 2024 là năm đầu tiên 3 cơ quan (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Sở Ngoại vụ và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố) cùng ký kết quy chế này.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp định hướng, chủ trương đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Trước đó, giai đoạn 2012-2015, 2016-2020 và 2021-2025, Liên hiệp và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ký kết quy chế phối hợp thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. Qua đó, triển khai hiệu quả nhiều sự kiện, hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, thông tin đối ngoại với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.

Để người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc

Thông qua quy chế phối hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn mong muốn phối hợp Sở Ngoại vụ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa Đà Nẵng; sự hiện đại, năng động của thành phố đến với kiều bào trên thế giới; nhân dân, du học sinh các nước đang sinh sống, học tập tại Đà Nẵng. Cùng với đó là giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đà Nẵng trong những chuyến đoàn ra, đoàn vào do Sở Ngoại vụ tham mưu cho lãnh đạo thành phố tiếp các đoàn đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng hoặc các đoàn công tác của thành phố đi xúc tiến ở các nước.

Theo bà Trần Thị Mẫn, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây được xem là nguồn lực to lớn đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, thành phố, là cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Hiện, thành phố có khoảng 90 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ, hợp tác với các sở, ngành, trường đại học, bệnh viện tại Đà Nẵng trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế…

Ông Nguyễn Ngọc Bình kỳ vọng với sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của 3 đơn vị, công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố giai đoạn 2024-2029 sẽ có những bước tiến mới, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng được nâng cao; tầm vóc, quy mô của đối ngoại nhân dân ngày càng phát triển góp phần thực hiện mục tiêu “Đối ngoại nhân dân là sự nghiệp của toàn dân”.

Theo quy chế ký kết, 3 cơ quan sẽ phối hợp thực hiện 7 nội dung, gồm: phối hợp triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và thành phố về công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, giao lưu nhân dân và hợp tác phát triển giữa nhân dân thành phố Đà Nẵng với nhân dân các nước; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. 3 cơ quan phối hợp thực hiện các công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; vận động, tranh thủ các nguồn lực quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng, nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

THANH PHƯƠNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/chinhtrixahoi/202404/doi-ngoai-nhan-dan-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thanh-pho-3970102/