Độc đáo làng mai rừng trong phố

Ở phố núi Pleiku (Gia Lai) có một làng mai rừng. Những gốc mai hàng chục năm tuổi này đã và đang giúp người Jrai thoát nghèo, xây nhà lầu, tậu xe hơi.

Ở xã Ia Kênh (TP Pleiku), hầu hết nhà nào cũng trồng mai rừng. Hộ gia đình trồng ít thì một vài cây, hộ trồng nhiều thì lên đến cả ngàn gốc. Dịp Tết đến, Xuân về khắp các tuyến đường liên thôn, liên xã nhộn nhịp, tấp nập bởi những chiếc xe máy cày nối đuôi nhau chở những cây mai rừng vàng rực đi giao, bán.

Được biết, người dân thuộc 6 làng của xã Ia Kênh đều trồng cây mai rừng ở trong khuôn viên nhà hoặc vườn rẫy. Trong đó, 4 làng có nhiều cây mai rừng nhất là O Sơr, Thông Jố, Thông Ngó, Mơ Nú. Nhiều nhà trồng mai men theo hàng rào dài cả cây số. Nhiều năm trở lại đây, mai rừng không chỉ giúp khai thác những tiềm năng sẵn có mà còn mang lại thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho hàng trăm hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai.

Làng mai rừng thuộc xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai

Ông Rah Lan Luih (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh) là một trong những hộ gia đình có thâm niên trong nghề với hơn 30 năm trồng mai rừng. Gia đình ông Luih cũng là hộ dân sở hữu nhiều mai rừng nhất ở xã Ia Kênh. Mai rừng được ông trồng làm hàng rào. Hiện khu rẫy của ông trồng khoảng 1.000 cây mai rừng với đủ loại kích cỡ, tuổi cây từ 15-30 năm.

"Ở làng mình, nhà nào cũng có mai rừng. Nhà ít thì trồng chơi vài cây chơi chơi, nhà trồng nhiều thì lên đến cả ngàn cây. Nguồn gốc mai này được người dân ở xã lấy hạt và đào gốc mai từ rừng về trồng trong nhà. Cũng vì vốn dĩ ở rừng nên những cây mai trong rẫy được tôi chăm sóc theo hướng phát triển tự nhiên như ở rừng.

Trung bình mỗi gốc mai nhỏ có giá giao động từ 1,5 - 5 triệu đồng, mai cành có giá từ 500.000 - 700.000 đồng/cành. Những cây mai cổ thụ thì có giá vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng”, ông Luih chia sẻ.

Nguồn gốc mai này được người dân ở xã lấy hạt và đào gốc từ rừng về trồng và chăm sóc

Cũng theo ông Luih, nhờ vào nghề trồng mai quanh năm nên gia đình ông có khoản thu nhập ổn định, mỗi năm gia đình cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng. Cũng chính nhờ số tiền tích góp từ việc bán mai rừng dịp Tết, ông đã xây được căn nhà hơn nửa tỷ đồng và mua bò phát triển kinh tế.

Mai vàng nở thắm tươi vào mỗi độ xuân về vì vậy nó tượng trưng cho mùa xuân ở miền Nam Việt Nam

Không riêng gì ông Luih, nhiều hộ gia đình người Jrai ở xã Ia Kênh đã vươn lên thoát nghèo làm giàu từ mô hình trồng và chăm sóc mai rừng. Tương tự, anh Puih Blêl (ở Thông Jố, xã Ia Kênh) cũng trồng xen gần 700 cây mai rừng trong vườn cà phê, mỗi năm thu về gần 70 triệu đồng. Khoản tiền này đã giúp vợ chồng anh nuôi con cái ăn học, sửa sang nhà cửa…

“Trong vườn nhà trước đó có sẵn mấy cây mai rừng. Sau này, gia đình đã tự nhân rộng thêm. Xưa làng nhiều mai lắm, tuy nhiên Tết về dân làng bứng gốc đi bán nhiều nên ít dần đi rồi. Thấy được giá trị những gốc mai mang lại nên người dân đang mở rộng trồng để đưa vào kinh doanh mỗi dịp tết để có thêm thu nhập”, anh Puih Blêl cho biết.

Người dân bứng những gốc mai rừng cổ thụ mang đi bán

Có thể thấy việc trồng, chăm sóc mai không phải là nghề chính. Tuy nhiên, đây lại là nguồn thu nhập đáng kể, giúp thoát nghèo cho nhiều gia đình bản địa Jrai ở Ia Kênh.

Để tránh tình trạng khan hiếm nguồn giống mai, các hộ dân ở xã Ia Kênh đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm lưu giữ cây mai trong vườn như tự nhân giống cây mai rừng bằng phương pháp giâm cành. Những cành được giâm sau đó sẽ được chuyển vào chậu đất để chăm sóc.

Những gốc mai rừng này đã và đang giúp người Jrai ở Ia Kênh thoát nghèo, làm giàu hiệu quả

Bên cạnh đó, một số hộ gia đình lại chọn cách nhân giống mai rừng bằng hạt. Theo người dân, đây là phương pháp truyền thống được áp dụng phổ biến nhất vì dễ thực hiện, nhanh có số lượng cây con nhiều để trồng, không tốn kém thời gian và công sức.

“Hạt mai vàng có khả năng nảy mầm khá tốt, nên chỉ cần lựa những hạt già gieo xuống đất, thậm chí những hạt chín rơi rụng từ cây mẹ xuống. Sau một thời gian không cần chăm sóc, mai cũng dễ dàng mọc, lên cây con với tỷ lệ cây sống rất cao. Khi cây mai con phát triển độ cao hơn một mét thì sẽ đưa đến trồng lại chỗ khác để cây con không lấn át, hút chất dinh dưỡng từ cây mẹ”, ông Luih cho hay.

Để tránh tình trạng khan hiếm nguồn giống mai, các hộ dân đã tự nhân giống bằng nhiều phương pháp như giâm cành, gieo hạt

Ông Kpă Duan - Bí thư Đảng ủy xã Ia Kênh cho biết: “Xã Ia Kênh có hơn 80% dân số là đồng bào DTTS Jrai. Trên địa bàn hiện có 6 làng đều trồng mai rừng trong khuôn viên nhà hoặc vườn rẫy. Thấy được giá trị của mai rừng, nhiều người dân của xã cũng rất tích cực trong việc phát triển và duy trì nghề trồng mai rừng bằng cách nhân giống hoặc tìm mua cây mai ở các nơi khác mang về trồng. Mỗi dịp Tết, mai rừng mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình và mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho hàng trăm hộ gia đình là người đồng bào nơi đây”.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-lang-mai-rung-trong-pho-post284084.html