Doanh nghiệp trong vùng đồng bào Khmer góp phần giải quyết việc làm

Thời gian gần đây, diện mạo chung của tỉnh đã khởi sắc và phát triển tích cực, thể hiện trên các chỉ số về kết quả thu hút đầu tư cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách Nhà nước cho địa phương, giải quyết việc làm,... Với những kết quả đạt trên, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, nỗ lực của tỉnh và cùng sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp (DN) và cộng đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Công ty TNHH xây dựng Thạch Xuân lấy cát san lấp vận chuyển bằng đường thủy cho khách hàng.

Điểm nhấn là tỉnh đang phấn đấu xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 (Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh). Ngoài tập trung đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhà ở, hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tỉnh chú trọng công tác vận động phát triển DN tăng cả số lượng và chất lượng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN trong tất cả các ngành của tỉnh hàng năm không ngừng tăng lên. Năm 2015, toàn tỉnh có 1.230 DN với khoảng 56.183 lao động, năm 2018 có 1.591 DN với khoảng 49.487 lao động, đến năm 2020 có 2.037 DN với khoảng 56.000 lao động. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng 807 DN, giảm 183 lao động, nguyên nhân trong năm 2019 Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong đã cắt giảm 10.142 lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 4.522 DN, vốn 62.487 tỷ đồng, 92.462 lao động.

Trong số 2.839 DN hiện đang hoạt động, có 162 DN có chủ DN là dân tộc Khmer. Tuy số lượng ít nhưng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống cho lao động địa phương, chia sẻ lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng Thạch Xuân chuyên kinh doanh nội thất, vật liệu xây dựng, sắt hộp, ống nhựa ở ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 05 lao động là dân tộc Khmer. Ông Thạch Xuân, bắt đầu sự nghiệp bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng từ hộ kinh doanh phát triển lên DN.

Ông Thạch Xuân cho biết: kinh doanh vật liệu xây dựng gặp nhiều thuận lợi khi kinh tế ngày càng phát triển, điều đó giúp đời sống người dân ngày càng nâng lên. Nhiều công trình đô thị, chung cư, khu công nghiệp, công ty,... cũng theo đó hình thành để đáp ứng nhu cầu công việc, nhà ở của người dân. Theo đó, nhiều địa phương triển khai XDNTM song hành với nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng và nhà ở. Tuy nhiên, với sản phẩm này cần đầu tư nhiều chi phí như kho bãi chứa vật liệu xây dựng và bán theo phương thức thanh toán “gối đầu” vốn cho người dân khi công trình hoàn thành.

Theo ông Xuân, trước khi kinh doanh ở lĩnh vực này, ông đã khảo sát, tìm hiểu thị trường. Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng không phải mặt hàng được sử dụng hàng ngày mà chỉ có một bộ phận thường xuyên sử dụng. Vì thế, việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhu cầu của người mua, từ đó lợi nhuận kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, hộ kinh doanh còn tìm hiểu đối thủ cạnh tranh để có kế hoạch chiến lược kinh doanh phù hợp, lành mạnh và lâu dài. Mặt khác, vật liệu xây dựng phải vận chuyển từ nơi xa đến làm cho giá thành công trình tăng lên rất cao, đây cũng là thách thức không nhỏ về vốn. Tuy nhiên, từ khi kinh doanh đến nay gặp thuận lợi vào những năm xã triển khai thực hiện chương trình XDNTM nên nhu cầu xây dựng hạ tầng và nhà ở ngày càng nhiều. Vì thế, kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng của gia đình không ngừng phát triển và tồn tại 10 năm, và từ hộ kinh doanh, lên thành DN khoảng 03 năm nay.

Ông Xuân chia sẻ: trong quá trình phát triển lên DN, Công ty đã được thụ hưởng các chế độ chính sách về thuế thu nhập DN, thuế trước bạ... Qua 13 năm tích lũy kinh doanh lĩnh vực này, tuy việc kinh doanh của Công ty gặp nhiều thuận lợi, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, bình quân doanh thu đạt từ 500 - 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận 20%, nhưng gần đây do cạnh tranh thị trường nên giảm lợi nhuận so với trước.

Nguyên nhân vật liệu xây dựng phải vận chuyển từ nơi xa đến với số lượng lớn, trong khi đó hệ thống giao thông nông thôn tại địa phương còn hạn chế, nhất là đường nông thôn kết nối từ Quốc lộ 60 đến kho bãi chứa vật tư xây dựng của công ty quá nhỏ, tải trọng 3,5 tấn, trong khi hàng hóa nhập kho lớn từ 10 tấn trở lên, nên Công ty tốn chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng từ quốc lộ vào kho bãi, mà giá bán vật liệu xây dựng bình ổn. Vì thế, DN mong các cấp, các ngành nâng cấp mở rộng đường nông thôn, giúp DN thuận lợi phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, giải quyết việc làm lao động địa phương.

Đồng chí Huỳnh Kim Chung, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa cho biết: theo kế hoạch năm 2023, xã vận động phát triển 06 DN. Từ đầu năm 2023 đến nay xã vận động phát triển 06/06 DN, đạt 100% kế hoạch. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt gần 167 tỷ đồng, đạt 66,09% kế hoạch; giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện gần 119 tỷ đồng, đạt 67,18% kế hoạch. Hiện xã có 02 DN, chủ DN là dân tộc Khmer hoạt động khá hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã và giải quyết lao động địa phương.

Đối với DN của ông Thạch Xuân trong thời gian qua góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cho lao động Khmer tham gia lái xe vận chuyển vật liệu xây dựng và bốc vác,... Thời gian tới, để kích cầu các hộ kinh doanh phát triển lên DN, xã tiếp tục phân công công chức, viên chức khảo sát và đến từng hộ kinh doanh, cơ sở nắm bắt tình hình và tuyên truyền, vận động phát triển lên DN; đồng thời xã phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký lên DN thực hiện hoàn thiện các thủ tục hành chính, giúp các hộ kinh doanh hạn chế khó khăn các bước xử lý văn bản hành chính.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/doanh-nghiep-trong-vung-dong-bao-khmer-gop-phan-giai-quyet-viec-lam-31275.html