Doanh nghiệp sứ vệ sinh trong nước 'kêu cứu' vì bị cạnh tranh không lành mạnh

Một số doanh nghiệp phản ánh sản phẩm sứ vệ sinh và sứ dân dụng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu gian lận xuất xứ, trốn thuế… gây lũng đoạn thị trường, đe dọa sản xuất trong nước, cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Nhóm các công ty sản xuất sứ vệ sinh, sứ dân dụng trong nước gồm Công ty TNHH Lixil Việt Nam; Công ty Cổ phần thương mại Viglacera; Công ty Cổ phần Ceravi; Công ty TNHH SXKD sứ Hảo Cảnh; Công ty TNHH gạch men sứ Thanh Hải; Công ty Cổ phần gốm sứ Long Hầu; Công ty Cổ phần Xuân Sinh; Công ty TNHH sứ Đông Lâm, mới đây đã thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị tới các cơ quan chức năng và Chính phủ, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm thiết bị vệ sinh, đặc biệt là sứ vệ sinh, sứ dân dụng nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn, chất lượng thấp, giá bán rất thấp, có dấu hiệu gian lận xuất xứ, trốn thuế… đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại ở trong nước.

Sản xuất sứ vệ sinh trong nước. Ảnh minh họa

Theo nhóm các doanh nghiệp nêu trên phản ánh, từ năm 2016 đến nay, sản phẩm sứ vệ sinh từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất nhanh. Ước tính năm 2016, tổng số lượng sứ vệ sinh nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam khoảng 300.000 sản phẩm, đến năm 2017 đã tăng lên gấp đôi (khoảng 600.000 sản phẩm), năm 2018 tiếp tục tăng lên khoảng 900.000 sản phẩm, trong năm 2019 ước tính có thể lên tới 1.200.000 sản phẩm. Ngoài sản phẩm thiết bị vệ sinh, các sản phẩm sứ dân dụng từ Trung Quốc cũng nhập khẩu vào Việt Nam số lượng rất lớn.

Đa số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đều có giá bán rất thấp, thậm chí giá bán thấp hơn cả chi phí sản xuất các sản phẩm cùng loại ở trong nước, đặc biệt có sự chênh lệch lớn giữa giá khai báo hải quan và giá nhập thực tế. Sản phẩm này còn có dấu hiệu vi phạm quy định về bao bì, nhãn mác như không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên thương hiệu trên sản phẩm, sau khi đưa vào thị trường Việt Nam mới được các đối tượng gian lận gắn mác để đánh lừa người tiêu dùng, có thể dán cả nhãn mác của các nhà sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các sản phẩm sứ vệ sinh, sứ dân dụng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đều không có chứng nhận kiểm định chất lượng. Điều này, ảnh hưởng rất lớn tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp nêu trên phản ánh, việc nhập khẩu sản phẩm sứ vệ sinh, sứ dân dụng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam có sự tham gia bất hợp pháp từ các cá nhân người nước ngoài đứng sau một số doanh nghiệp của Việt Nam để lũng đoạn thị trường, gian lận thuế... để trục lợi.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất sứ vệ sinh, sứ dân dụng… trong nước những năm gần đây đã đầu tư rất lớn để nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, họ đang phải chịu áp lực cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng, không bình đẳng của các sản phẩm giá rẻ (do gian lận), chất lượng thấp nhập khẩu từ Trung Quốc, đe dọa đến sự tồn vong của ngành sản xuất, gây nguy cơ bất ổn xã hội nếu các doanh nghiệp đình trệ sản xuất, người lao động mất việc làm. Các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ, bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan cần có chế tài kiểm soát, xử lý vấn đề này để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đầu tư phát triển mang lại lợi ích cho quốc gia và xã hội.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghie-p-su-ve-sinh-trong-nuo-c-keu-cu-u-vi-bi-ca-nh-tranh-khong-la-nh-ma-nh-130982.html