Doanh nghiệp may mặc nỗ lực duy trì sản xuất

Quảng Trị hiện có 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc (không kể cơ sở may gia công nhỏ lẻ). Đây là ngành tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với khoảng 5.100 công nhân. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp may mặc đều lâm vào cảnh giảm sút, thiếu đơn hàng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống người lao động. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì sản xuất, động viên người lao động để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Người lao động Công ty May Hòa Thọ Đông Hà nhận quà sinh nhật của công đoàn công ty - Ảnh: M.L

Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định, ở Cụm công nghiệp Tân Định, huyện Cam Lộ, được thành lập năm 2018. Đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì bị ảnh hưởng COVID-19, dù vậy chưa bao giờ công ty lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo bà Ngô Thị Hồng Tuyết, cán bộ phụ trách hành chính - nhân sự của công ty thì những năm trước đơn hàng ký kết đầu năm đảm bảo cho người lao động sản xuất liên tục đến cuối năm. Năm nay thì từ tháng 6 đã hết đơn hàng dài hạn, chỉ có những đơn hàng nhỏ lẻ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập mà còn ảnh hưởng đến tay nghề của công nhân vì mẫu mã của các đơn hàng liên tục thay đổi.

Một đơn hàng chỉ sản xuất trong vòng 10 -15 ngày thì công nhân vừa làm quen với đơn hàng này đã chuyển sang may cho đơn hàng khác, mẫu mã các đơn hàng lại khác nhau ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Đơn hàng bị cắt giảm khiến thu nhập của người lao động giảm 50% so với những năm trước. Hiện tại, người lao động ở Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định còn 90 người (giảm 30 người so với đầu năm).

“Trước tình hình khó khăn chung của ngành may mặc, ban lãnh đạo công ty đã nhiều lần tổ chức họp công nhân để tuyên truyền, vận động giúp người lao động nắm bắt, hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp. Vẫn biết các đơn hàng nhỏ lẻ sẽ làm tăng chi phí sản xuất, cũng vì nhỏ lẻ nên một số đơn hàng đối tác thanh toán rất chậm nhưng công ty vẫn nhận để duy trì việc làm, thu nhập và đảm bảo các quyền lợi cho công nhân.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi mong được tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất thấp để kịp trả lương cho công nhân trong thời gian chờ đối tác thanh toán đơn hàng, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động”, bà Tuyết chia sẻ.

Đối phó với tình hình khó khăn chung, từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà nhận các đơn hàng lẻ, thay đổi cơ cấu sản phẩm, sản xuất các mặt hàng không chủ đạo để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Quảng Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà, ngoài việc duy trì sản xuất, đảm bảo các quyền lợi, chế độ của người lao động, thời gian gần đây, công đoàn có nhiều hoạt động hướng về công nhân như tổ chức sinh nhật cho cán bộ, công nhân viên toàn công ty có chung sinh nhật trong tháng; hội thi trò chơi dân gian; tặng quà cho con người lao động dịp lễ, tết...

“Càng khó khăn người lao động càng cần không khí làm việc đoàn kết, vui tươi, được quan tâm chia sẻ, động viên khích lệ để có động lực làm việc, đồng sức đồng lòng cùng công ty vượt qua khó khăn trước mắt. Vì vậy, ban chấp hành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng về người lao động”, ông Trung bộc bạch.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, suy thoái kinh tế làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động đến nhiều mặt đời sống KT-XH của tỉnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn giải thể, tạm dừng hoạt động, hàng hóa tồn đọng không xuất khẩu được; một số doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giảm lao động, một bộ phận đoàn viên, người lao động mất việc làm, đời sống càng khó khăn hơn.

Đặc biệt, theo dự báo của Bộ Công thương, ngành may mặc trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản giảm sút. Đây là khó khăn chung của ngành dệt may cả nước, tại Quảng Trị, các doanh nghiệp may mặc chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, may gia công chứ chưa trực tiếp ký kết được đơn hàng xuất khẩu nên không thể chủ động đàm phán với đối tác. Vì thế, những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động là rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động, phát huy tinh thần nội lực của mỗi doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng rất cần sự trợ giúp từ Nhà nước như: hỗ trợ về giảm, giãn, gia hạn các loại thuế, phí và bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện để doanh nghiệp may mặc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi... Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với những chính sách mới.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/doanh-nghiep-may-mac-no-luc-duy-tri-san-xuat/180217.htm