Doanh nghiệp loay hoay với giảm phát thải

Không đợi đến năm 2025 Việt Nam thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm đến tạo tín chỉ carbon để trung hòa phát thải. Tuy nhiên, hiện DN còn loay hoay với giải pháp thực hiện, công cụ chứng minh có thể bù trừ lượng phát thải.

Sản phẩm gạch tái chế từ chất thải công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Mai

Giảm phát thải không chỉ là quy định của pháp luật, mà còn là yêu cầu tất yếu để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Làm sao để có tín chỉ carbon?

Tại hội thảo Giảm thiểu phát thải và xây dựng hệ thống phát triển bền vững cho DN do Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai tổ chức mới đây, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa Nguyễn Hữu Nghị cho rằng, hầu hết DN sản xuất trong KCN đều có các giải pháp giảm phát thải. Đó có thể là đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt, xử lý nước thải để tái sử dụng, đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm giảm tiêu thụ điện hoặc gắn pin năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất.

Theo ông Nghị, để đạt được trạng thái phát thải bằng 0 trong sản xuất là điều rất khó, song DN có thể trung hòa phát thải bằng cách mua hoặc tự tạo ra tín chỉ carbon để bù vào lượng phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cách tự tạo tín chỉ carbon?

Cùng trao đổi về nội dung này, đại diện Công ty TNHH Tokin Electronics (KCN Long Bình) cho rằng, DN Nhật Bản rất quan tâm đến công tác quản lý và thực hiện nhất quán các yêu cầu của Nhà nước về an toàn, môi trường. DN đang có nhu cầu kiểm kê khí thải nhà kính, mục đích tìm giải pháp thực hiện giảm phát thải. Tuy nhiên, DN chưa nắm được việc kiểm kê này có thể tự thực hiện hay phải thuê đơn vị độc lập? Trường hợp DN lắp đặt điện mặt trời mái nhà vừa tạo ra năng lượng xanh cho sản xuất, vừa giảm phát thải khí nhà kính có được xem như tín chỉ carbon không?

Giải đáp các thắc mắc của DN, ông Lê Quang Linh, cố vấn phát triển thị trường carbon, Công ty CP Khoa học và môi trường Giant Barb (TP.Hà Nội) cho rằng, Việt Nam chưa có thị trường carbon trong nước để hỗ trợ DN trong chiến lược phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tương lai, DN có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường lớn, có yêu cầu cao về tín chỉ này.

Cũng theo ông Linh, trong điều kiện hiện nay, DN có thể tự tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách kiểm kê xem khâu nào phát thải nhiều, từ đó thay đổi hoạt động để giảm phát thải, áp dụng công nghệ để biến chất thải thành điện hoặc hơi cung cấp ngược lại cho sản xuất hoặc bán lại cho nhà máy kế bên, thu hồi chất thải trơ làm vật liệu xây dựng.

Việt Nam chưa có thị trường mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong nước, các hoạt động cắt giảm khí thải nhà kính cũng chưa được xác nhận để quy đổi ra tín chỉ carbon. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh về yếu tố “xanh” của sản phẩm, không ít DN đã và đang thực hiện giảm phát thải. Đây là bước khởi đầu quan trọng để có thể đạt trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết.

* Có thể đưa phát thải ròng về 0

Ông Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina (KCN Gò Dầu, H.Long Thành) cho rằng, Việt Nam chưa bắt buộc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính nhưng nhiều thị trường nước ngoài đã khá khắt khe với việc này. Do đó, trong năm 2023, công ty đã kiểm kê khí thải nhà kính. Đầu tư hệ thống lò đốt chất thải để thu hồi hơi thay vì đốt bỏ như trước, việc này giúp công ty tiết kiệm được dầu dùng để đốt, tránh lãng phí chất thải, thu được nhiệt. Bên cạnh đó, công ty ký hợp đồng với nhà thầu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, dự kiến vận hành vào đầu năm 2024.

Doanh nghiệp tìm hiểu về viên nén dùng cho lò đốt công nghiệp có nguồn gốc từ vật liệu sinh khối

Đại diện Công ty TNHH Phát triển Khanh Lê (H.Long Thành) cho biết, để hỗ trợ các DN sản xuất chuyển đổi năng lượng xanh, công ty đã đầu tư sản xuất viên nén có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như: dăm bào, củi tạp, mùn cưa, trấu, củi tạp… phục vụ đốt thu hồi nhiệt. So với nhiên liệu hóa thạch (than, dầu), viên nén có nhiệt lượng phát ra cao, an toàn cho sức khỏe công nhân, góp phần rất lớn cho việc giảm thiểu phát thải và bảo vệ tầng Ozon.

Phó trưởng ban Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Dương Thị Xuân Nương cho rằng, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng là một trong những điều kiện để DN giữ đơn hàng, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. DN có thể từng bước thực hiện các yêu cầu này bằng cách định hình và xây dựng kế hoạch phát triển bền vững trên cơ sở chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải và hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cũng theo bà Nương, DN tại Đồng Nai có thể hiện thực hóa phát thải ròng bằng 0, bởi tỉnh đang theo đuổi con đường phát triển bền vững với sự đồng hành, hỗ trợ DN trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đã và tiếp tục có các kiến nghị liên quan đến việc tạo điều kiện để DN chuyển đổi dần sang loại hình năng lượng tái tạo. Nông nghiệp và lâm nghiệp cũng là lợi thế tạo ra nguồn phụ phẩm, phế phẩm để sản xuất ra nhiên liệu sinh khối. Một số DN đi trước, đang theo đuổi mục tiêu giảm phát thải carbon bằng 0 trong hoạt động sản xuất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm.

Để các DN thuận lợi hơn trong tiến trình giảm phát thải, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn. Tháo gỡ các vướng mắc về quy định liên quan đến tái sử dụng nước thải, tái chế và tái sử dụng chất thải, sử dụng điện năng lượng mặt trời, cộng sinh công nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bộ KH-ĐT hướng dẫn và xúc tiến thành lập các KCN sinh thái làm tiền đề cho nhà đầu tư thứ cấp thực hiện mô hình kinh tế sinh thái.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/doanh-nghiep-loay-hoay-voi-giam-phat-thai-7294ece/